Chủ động xử lý bệnh lùn sọc đen hại lúa

Chưa kịp trấn tĩnh trước hàng ngàn ha lúa hè thu 2010 bị tiêu hủy vì bệnh lùn sọc đen, người nông dân Hà Tĩnh lại đang đối mặt với nỗi lo mới khi dịch bệnh nguy hiểm này bắt đầu xuất hiện rải rác trên lúa đông - xuân ở một số địa phương. Nếu không xử lý kịp thời, nguy cơ lan rộng sẽ rất cao và thiệt hại sẽ không lường trước được.

Hiện nay, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác trên một số diện tích lúa ở xã Xuân Giang (Nghi Xuân), Thạch Hưng và Thạch Quý (TP Hà Tĩnh).

Bà Bùi Thị Thanh Hoài, Trưởng Trạm BVTV thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Là một trong những địa phương từng bị bệnh lùn sọc đen gây hại với trên 63 ha lúa ở vụ hè thu năm 2010, vụ đông xuân này, chúng tôi chủ động các phương án để sẵn sàng đối phó khi có biểu hiện của bệnh. Hiện, chúng tôi đang hướng dẫn bà con thường xuyên thăm đồng và nhổ vùi bùn những khóm lúa bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bệnh; tỉa dặm lại, đồng thời tiến hành phun thuốc đặc trị diệt tận gốc loài rầy lưng trắng”.

Vụ hè thu 2010, Hà Tĩnh đã có 2.489 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen và 1.500 ha phải thiêu hủy hoàn toàn
Vụ hè thu 2010, Hà Tĩnh đã có 2.489 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen và 1.500 ha phải thiêu hủy hoàn toàn

Trước tình hình này, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa đến lãnh đạo chính quyền và ngành nông nghiệp các huyện, thị, thành phố; chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn cho bà con nông dân nâng cao nhận thức về dịch bệnh, cách phát hiện và phòng trừ bệnh lùn sọc đen, rầy lưng trắng; đề ra một số chính sách hỗ trợ công tác phòng trừ dịch bệnh…

Bệnh lùn sọc đen là một loại bệnh do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị trực tiếp mà chỉ phun thuốc để diệt trừ vật chủ (rầy lưng trắng), tránh phát tán bệnh. Đối với cây lúa, cần gieo mạ cấy để khống chế được dịch bệnh cho lúa ngay trong ruộng mạ.

Riêng vụ đông xuân 2010 - 2011, từ nay đến khi lúa làm đòng, bà con nông dân phải thường xuyên duy trì đủ nước cho lúa đẻ nhánh; tập trung chăm bón để lúa phát triển tốt, tăng khả năng kháng bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện những ruộng lúa bị nhiễm bệnh nhẹ, tỷ lệ cây bệnh thấp, cần tiến hành nhổ cây bệnh tại chỗ triệt để và đem tiêu hủy hoặc có thể làm thức ăn cho gia súc.

Nếu phát hiện có rầy lưng trắng, cần tập trung bao vây phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc như: CHESS 50 WC, OSHIN 20WP, ALICA 247 SC, SUTIN 5 EC v.v… Đối với những ruộng lúa nhiễm bệnh nặng, không còn khả năng cho thu hoạch thì tiến hành phun thuốc diệt trừ rầy (nếu có) và cày vùi, tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa.

Đối với ngô đông muộn - xuân sớm, tăng cường thăm đồng, kết hợp các biện pháp đánh bẫy cơ học và phun thuốc hóa học để diệt rầy ở cả các thửa ruộng lân cận; phát hiện cây bệnh để nhổ bỏ; những diện tích ngô bị bệnh nặng, tiến hành tiêu hủy cả ruộng bằng cách chặt bỏ, thu gom và thiêu hủy tàn dư cây bệnh; phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc.

Bệnh lùn sọc đen hại lúa do virus lùn sọc đen phương Nam, một loại virus được phát hiện ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc từ năm 2001. Vật chủ trung gian truyền bệnh là giống rầy lưng trắng, do việc chính hút nhựa cây lúa có bệnh lùn sọc đen rồi mang mầm bệnh truyền sang cây lúa khỏe mạnh. Bệnh có thể phát sinh trên lúa, ngô, lúa mì và một số loại cỏ hại lúa khác. Thời gian ủ bệnh trong cây lúa từ 7 - 23 ngày, trên cây ngô từ 12 - 24 ngày. Những ruộng lúa bị nhiễm bệnh trong thời kỳ trước 20 ngày tuổi, năng suất sẽ giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng.

Trên địa bàn Hà Tĩnh, năm 2009, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại trên một số diện tích ngô đông ở Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang với tổng diện tích 280 ha. Vụ hè thu 2010, bệnh phát sinh và gây hại ở 9/12 huyện, thị, thành phố, với tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh 2.489 ha, trong đó có gần 1.500 ha phải thiêu hủy hoàn toàn, làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng lương thực của cả tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast