Đối đầu hai nửa Manchester: Sự kình địch cần thiết

Đúng nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Man United bước vào mùa bóng có lẽ là đáng nhớ nhất trong lịch sử hào hùng của CLB này. Đó là mùa bóng 1967/68, kết thúc với thành tích lịch sử: M.U của George Best và Bobby Charlton trở thành CLB Anh đầu tiên đoạt Cúp C1 châu Âu.

doi dau hai nua manchester su kinh dich can thiet

Thành tích tuyệt vời thật ra vẫn chưa phải là điều đáng nói nhất trong dấu ấn sâu đậm ấy. Đấy là sự hồi sinh mạnh mẽ đáng được chuyển tải thành phim (và người ta quả đã phải làm rất nhiều bộ phim theo các thể loại, nội dung khác nhau liên quan đến câu chuyện này). Đúng 10 năm trước đó, phi cơ đưa đội M.U trở về từ Belgrade sau một trận đấu ở Cúp C1 đã gặp nạn ở Munich...

Và cũng đúng nửa thế kỷ trước, khi đội M.U đã được tái thiết một cách tuyệt vời bởi HLV huyền thoại Sir Matt Busby, oanh liệt đăng quang trên đấu trường châu Âu, thì chức VĐQG mùa bóng 1967/68 trên quê hương bóng đá lại thuộc về đội... láng giềng Man City. Đấy chỉ là một trong hai danh hiệu VĐQG hiếm hoi mà Man City có được trước kỷ nguyên Premier League. Không phải nói thêm, đấy chính là mùa bóng hiếm hoi mà giới hâm mộ ở thành phố Manchester có được niềm vui trọn vẹn - bất kể họ là fan của United hay City.

Khi Man City lên ngôi vô địch bóng đá Anh năm 1968 thì M.U, với Cúp C1 châu Âu, là đội á quân trong nước, thua đội láng giềng đúng 2 điểm trên bảng xếp hạng chung cuộc. Nhưng, đấy không phải là sự thống trị. Cả M.U lẫn Man City, lạ thay, đều không thể trở lại ngôi vô địch sau mùa bóng 1967/68, mãi cho tới khi giải đấu mới Premier League được thành lập ở mùa bóng 1992/93.

Chỉ đến kỷ nguyên Premier League, dưới sự huấn luyện (chủ yếu là quản lý) của huyền thoại Alex Ferguson, M.U mới thực sự vươn lên thống trị quê hương bóng đá. Nhưng không có chỗ cho Man City trong thời kỳ M.U thống trị sân cỏ Anh. Khi M.U vô địch Premier League 2001 thì Man City... rớt hạng.

doi dau hai nua manchester su kinh dich can thiet

“Bóng đá Manchester” ư? Nếu quả có một khái niệm như thế, thì đấy chỉ là một cách nói gượng ép. Khó tìm ra điểm chung nào giữa M.U với Man City để kết hợp thành cụm từ vừa nêu. Có “bóng đá London” - nơi hàng loạt CLB danh tiếng ở thủ đô của bóng đá Anh chen chúc, cạnh tranh quyết liệt với nhau, để rồi rút cuộc chẳng có đội bóng nào thật sự bứt được lên đẳng cấp “siêu CLB”. Có “bóng đá Milan”, nơi cặp Inter và AC Milan vừa là anh em, vừa là kình địch, thay nhau tỏa sáng tại SVĐ San Siro huyền thoại. Có “bóng đá Liverpool”, nơi các thành viên trong cùng một gia đình có thể phải chọn giữa Liverpool hoặc Everton, mà mọi chuyện vẫn cứ diễn ra ổn thỏa. Manchester, cho đến gần đây, không được như thế.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu trở nên thú vị khi M.U và Man City thay nhau giữ ngôi vô địch Premier League suốt 4 năm liền (2011-2014). Như mọi người đã biết, Man City đã trở nên khác hẳn với chính họ kể từ khi quyền sở hữu đội bóng thuộc về tập đoàn City Football Group của các tỷ phú Ả-Rập. Đây chính là chi tiết quan trọng làm nên sự kình địch mới mẻ giữa hai đội bóng thành Manchester - điều không hề có trong suốt hàng trăm năm trước.

Bây giờ, sức mạnh của cả Man xanh lẫn Man đỏ đều được tạo ra bởi sự nổi tiếng của nhà cầm quân và lực lượng ngôi sao, tổng quát hơn là dựa vào sức mạnh của đồng tiền. Họ vừa giống nhau, lại vừa tương phản.. Chelsea không giống, bởi Chelsea vẫn giống như món đồ chơi của ông chủ Roman Abramovich hơn là một đội bóng thực sự. Liverpool, Tottenham, Arsenal, vì những nguyên nhân khác nhau, cũng đều không giống. Chỉ có M.U và Man City mới là cặp đối thủ “đồng cân đồng lạng”, đáng xem nhất trên sân cỏ Anh hiện thời. Bóng đá đỉnh cao luôn cần một sự đối đầu như vậy.

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast