Đức Thọ ưu tiên đầu tư các tuyến GTNT mới kết hợp cứu hộ - cứu nạn

Với địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, bị chia cắt mạnh, trong đó, đồi núi là thung lũng nhỏ hẹp và bàu nước chảy ra lưu vực sông Ngàn Sâu rồi đổ ra sông La nên hàng năm, cứ vào mùa mưa bão là Đức Thọ (Hà Tĩnh) lại đối mặt với tình trạng ngập lụt do lũ từ thượng nguồn dồn về, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân...

Xuất phát từ đặc thù địa phương cùng thực tiễn phòng chống lũ lụt nhiều năm nay, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Đức Thọ đã tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của tỉnh, cùng đóng góp công của trong nhân dân để từng bước cải thiện các công trình PCLB, nhất là các tuyến giao thông nông thôn mới kết hợp đường cứu hộ - cứu nạn.

Sau nhiều nỗ lực xúc tiến đầu tư, tháng 4 - 2010, Đức Thọ đã triển khai “Dự án xây dựng hệ thống công trình hạ tầng sống chung với lũ các xã vùng ngoài đê La Giang”, với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng.

Dù triển khai trong điều kiện khó khăn của lạm phát, thiên tai, nhưng đến nay, dự án đã hoàn thành xây dựng 6,5 km đường công vụ (cũng là đường quản lý sau này với mặt đường rộng 12 m), hoàn thành 700 m tuyến đường bộ cầu Thọ Tường – trung tâm huyện lỵ (mặt đường rộng 25 m), thu hồi 10 ha đất phục vụ thi công công trình…, với giá trị khối lượng xây dựng đạt 200 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án bắt đầu triển khai xây dựng cầu Trường Khánh, QL 15A, đặc biệt là tuyến đường song song với tuyến đường sắt hiện nay từ cầu Thọ Tường – Yên Xuân (Hưng Nguyên – Nghệ An). Theo đó, năm 2011 này, huyện phấn đấu hoàn thành nâng cấp 9 km QL 15A, xây dựng xong phần hạ bộ cầu Trường Khánh và xử lý xong phần nền tuyến đường Thọ Tường – Yên Xuân.

Dự án nâng cấp QL8A hoàn thành không chỉ mở ra cơ hội phát triển KT-XH mà còn phục vụ tốt công tác cứu hộ - cứu nạn trong mùa mưa lũ
Dự án nâng cấp QL8A hoàn thành không chỉ mở ra cơ hội phát triển KT-XH mà còn phục vụ tốt công tác cứu hộ - cứu nạn trong mùa mưa lũ

Theo ông Đặng Giang Trung – Trưởng BQL các dự án XDCB huyện Đức Thọ, các trận lũ lịch sử trong tháng 10 – 2010 cho thấy, không chỉ vùng ngoài đê La Giang mà nhiều địa phương trong đê cũng ngập lụt sâu, giao thông bị chia cắt gây không ít khó khăn cho công tác cứu hộ - cứu nạn.

Trên cơ sở Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND ngày 29/3/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về quy định một số nội dung trong quản lý đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn, cũng như nhu cầu bức thiết của một số địa phương, trước mắt, huyện tập trung đầu tư vào 3 dự án giao thông quan trọng (dự kiến khởi công vào ngày 16 – 3 tới) gồm: đường vào trung tâm xã Thái Yên với chiều dài tuyến 6,61 km, theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng, tổng mức đầu tư 52,28 tỷ đồng; đường trục chính nối các xã Đức Hòa – Đức Yên – Bùi Xá – Đức Nhân – Đức Thủy với chiều dài tuyến 10,87 km, theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi, tổng mức đầu tư 74,6 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường Trung Lương – Yên Hồ - QL 8A với chiều dài tuyến 8,99 km, theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng, tổng mức đầu tư 69,1 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của các tuyến đường đó là vừa đảm bảo giao thông đi lại của nhân dân các vùng, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, đồng thời phục vụ công tác cứu hộ - cứu nạn trong mùa mưa bão.

Ngoài các nhiệm vụ cơ bản trên, các tuyến giao thông đó còn tạo nên những điểm nhấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, khi đặt đầu bài cho cơ quan tư vấn, chủ đầu tư đã xem xét theo quy chuẩn các tuyến đường nông thôn mới để sát với yêu cầu hiện nay như: nền đường rộng từ 7 m trở lên và mặt đường rộng từ 3,5m trở lên; cùng đó là kết hợp bổ sung thêm các hạng mục phụ trợ như hệ thống mương thoát nước hai bên tuyến để giải quyết thêm vấn đề nước thải, tạo cảnh quan môi trường nông thôn.

Cũng theo ông Trung, kế hoạch đặt ra cho cả 3 tuyến đường nêu trên là phải hoàn thành trong năm 2011 này. Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các địa phương hưởng lợi cần tập trung làm tốt công tác GPMB để các đơn vị thi công có điều kiện dốc lực đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh lạm phát giá cả, thời tiết diễn biến bất thường.

"Về phía người dân, cần chủ động hợp tác với chính quyền sở tại, thậm chí nếu có điều kiện thì tự nguyện hiến đất để tăng cường xã hội hóa trong xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhất là khi hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung quyết liệt cho chương trình xây dựng nông thôn mới", ông Trung nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast