Hà Tĩnh dồn sức khôi phục sản xuất đông xuân

Đợt rét đậm rét hại kéo dài hơn một tháng qua đã làm hơn 5.000 ha lúa đông xuân ở Hà Tĩnh bị chết rét. Sau những ngày Tết nguyên đán, thời tiết đang ấm dần lên. Việc khôi phục diện tích lúa bị chết, xuống giống số diện tích còn lại và và chăm sóc lúa đang gặp không ít khó khăn.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra ở thời điểm Hà Tĩnh vừa phải hứng chịu trận lũ kép lịch sử nên sức kháng cự của cây trồng và vật nuôi đều sút giảm, nguồn lương thực dự trữ nhiều nơi cạn kiệt. Thêm vào đó một bộ phận nhân dân đã lơ là, chủ quan, bất tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn đã xuống giống ở thời điểm nhiệt độ xuống thấp, không chủ động tháo nước ở những ruộng lúa đã gieo và thiếu sự chăm sóc đối với đàn trâu bò dẫn đến những thiệt hại nặng nề.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được 43.348/53.500 ha (đạt 81,02%), trong đó: gieo thẳng 26.975 ha, diện tích cấy 16.473 ha. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài 1 tháng nay (trong đó có những ngày rét hại với nền nhiệt độ bình quân ngày dưới 130C) làm 161,7 ha mạ bị chết và 4.849,8 ha lúa bị chết (4.226,6 ha lúa gieo thẳng; 623,2 ha lúa cấy); 303 con gia súc bị chết.

Bà con nông dân xã Gia Phố (Hương Khê) xuống giống diện tích lúa xuân muộn
Bà con nông dân xã Gia Phố (Hương Khê) xuống giống diện tích lúa xuân muộn

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, Sở đã phối hợp với các huyện tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra cụ thể số diện tích lúa bị chết để chủ động nguồn giống cung cấp cho nông dân gieo cấy trở lại đúng lịch thời vụ đề ra. Theo đó, lượng giống còn thiếu để bắc mạ bổ sung đã được chủ động một phần từ lượng mạ dự phòng của trà xuân sớm, xuân trung, giống dự phòng trong dân và ngân sách của địa phương. Lượng giống còn thiếu theo đăng ký của các địa phương với Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh là 120 tấn.

Ông Võ Tá Liêu - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết thêm: Đến thời điểm này, đơn vị đã lo đủ số lượng này và đã cơ bản chuyển về các địa phương để kịp thời khôi phục sản xuất. Hai loại giống cơ bản được chuẩn bị là giống ngắn ngày là Khang dân và TH3 - 3 có thể đáp ứng được yêu cầu về thời vụ ở thời điểm này. Ngoài ra, đơn vị cũng ký cam kết với địa chỉ cung ứng giống chuẩn bị dự phòng thêm 60 tấn lúa giống, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Từ trước Tết đến nay, phần lớn các huyện, thị, thành phố đã nhận giống và đưa về các địa phương để giúp người nông dân chủ động khôi phục diện tích lúa bị chết rét ngay khi thời tiết ấm lên. Ông Bùi Đức Hạnh - Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: Từ kinh nghiệm của đợt rét đậm năm 2008, huyện tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ giống lúa giữa các hộ dân, các xóm và các xã trong toàn huyện nên đã chủ động được một lượng giống đáng kể. Cùng đó, huyện đưa thêm 25 tấn giống cung ứng cho các địa phương. Trong thời điểm này, huyện đang tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nông dân chạy đua với thời vụ, kịp thời khôi phục hơn 800 ha lúa bị chết rét và gieo cấy số diện tích xuân muộn còn lại.

Tháng giêng dù vẫn được xem là “tháng ăn chơi” nhưng trong thời điểm này, khi thời tiết đang ấm dần cũng là lúc bà con nông dân và toàn hệ thống chính trị cần dồn sức khôi phục lại hơn 5.000 ha lúa bị chết rét, gieo cấy hơn 10.000 ha lúa xuân muộn và tập trung chăm sóc toàn bộ diện tích lúa đông xuân. Thời vụ sản xuất không còn nhiều, vì vậy, bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để quyết tâm giành lại vụ sản xuất thắng lợi.

Theo đó, đối với trà xuân sớm, xuân trung, ở những diện tích đã cấy, gieo thẳng cần duy trì mực nước thích hợp 3 - 5 cm để giữ ấm chân lúa; khi nhiệt độ trên 150C, có ánh sáng mặt trời thì tiến hành bón phân chăm sóc theo đúng quy trình và tỉa dặm đảm bảo mật độ, kết hợp làm cỏ sục bùn. Những ruộng có tỷ lệ lúa chết dưới 20% thì không cần dặm tỉa, khi thời tiết ấm cần tăng cường làm cỏ sục bùn, bón phân lân, phân vi sinh để cây phát triển mạnh và ruộng lúa sẽ tự điều chỉnh để đảm bảo năng suất. Với ruộng lúa chết từ 20 - 50% khi trời ấm trên 200C, lúa ra rễ và lá mới, cần khẩn trương dặm tỉa và bón phân thúc để lúa đẻ sớm, đảm bảo mật độ cây. Còn những ruộng lúa chết trên 50 – 70% số khóm, khi trời ấm, cây hồi xanh sẽ nhổ cấy dồn lại, phần đất trống sẽ cấy bằng mạ gieo sau; ruộng lúa có tỷ lệ chết trên 70% , phải nhổ gom mạ cày bừa lại để gieo cấy.

Đối với trà xuân muộn, cần tổ chức kiểm tra phân loại để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Khi mạ đã có trên 2 lá, cần mở dần nilon để luyện mạ và phun thêm phân bón lá cho mạ; khi mạ phục hồi ra rễ mới, lá mới, không bón thúc đạm; khi thời tiết hết rét đậm mạ đạt 3 lá thì xúc cấy nhanh. Mạ dưới 2 lá cần tiếp tục chăm sóc chống rét khi trời lạnh (sáng và đêm) bằng biện pháp che kín nilon, tưới nước ấm, phủ tro bếp. Mở dần nilon 2 đầu luống để tạo thoáng nhằm hạn chế nấm mốc và luyện mạ, bón thêm phân lân, phun phân qua lá khi mạ trên 2 lá, tuyệt đối không bón đạm, phân NPK cho mạ. Cần chú ý duy trì độ ẩm luống mạ vừa phải, không để mạ bị ngập nước hoặc bị khô nẻ. Tranh thủ thời tiết nắng ấm để bắc mạ dày xúc, mạ sân đối với các giống lúa thuần ngắn ngày như: KD18, XM12, PC6, AYT77, ĐV108, TH3 -3…để đảm bảo kế hoạch theo đề án sản xuất, thời vụ kết thúc trước 10/2/2011, phải bắc mạ che phủ ni lon bằng giàn khung, mạ sân để đảm bảo thời vụ.

Đối với lạc, rau màu vụ xuân 2011, cần chủ động nguồn giống, tranh thủ thời tiết nắng ráo làm đất, gieo trỉa lạc và cây trồng đảm bảo đúng lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật đã ban hành, tốt nhất kết thúc gieo trỉa trước 20/2.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast