Hiệu quả mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm

Nuôi cá đối mục trong hồ nước mặn lợ là cách vừa thay thế đối tượng nuôi có giá trị kinh tế thấp và các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, vừa đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Hi vọng trong thời gian tới, cá đối mục sẽ trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh nhằm từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giảm thế độc canh con tôm, góp phần đem lại thu nhập cho người nuôi…

Hiệu quả bước đầu!

Là xã trung tâm cửa biển của huyện Lộc Hà, Thạch Châu có thế mạnh phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Với 41,43 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, chiếm ưu thế về nuôi cá nước lợ đến 3.16 ha, trong đó diện tích nuôi trồng cá đối mục thương phẩm là 0,7 ha, Thạch Châu đang thành công trong việc thử nghiệm các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Nuôi cá đối mục thương phẩm đang là hướng đi mới cho người dân Thạch Châu (Lộc Hà)
Nuôi cá đối mục thương phẩm đang là hướng đi mới cho người dân Thạch Châu (Lộc Hà)

Theo chân trưởng ban khuyến nông - khuyến ngư xã Phan Anh Đức, chúng tôi mục sở thị mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm tại đây. Người chủ sở hữu hồ cá trị giá hàng trăm triệu đồng này là một thanh niên trẻ tuổi – anh Trần Văn Tình chia sẻ: “Cá đối mục là loài rất dễ nuôi, tỷ lệ sống cực kì cao, lại thích hợp với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Đặc biệt thời tiết càng lạnh cá lại càng lớn nhanh”. Tuy là đối tượng nuôi mới nhưng theo kết quả đánh giá bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi cá đối mục. Nếu so sánh với các đối tượng cá nuôi khác thì vốn đầu tư để nuôi cá đối mục thường thấp hơn nhiều, đặc biệt là thức ăn. Bởi cá đối mục là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loại tảo sợi, tảo lam, tảo khuê… Đồng thời cũng có thể bổ sung bằng các thức ăn tinh như cám gạo, ngô và thức ăn công nghiệp. Thêm vào đó, kỹ thuật nuôi không khó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận được, cá nuôi lại ít dịch bệnh nên tỷ lệ sống cao. Thị trường đầu ra cũng rất tiềm năng bởi cá đối mục có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo anh Trương Huy Dũng - Trưởng phòng kỹ thuật chuyển giao của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Mô hình nuôi cá đối mục được chúng tôi đưa vào thay thế cho các đối tượng nuôi truyền thống có giá trị kinh tế thấp và các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Hiện nay chỉ mới nuôi thí điểm ở xã Thạch Châu và xã Hộ Độ. Theo kết quả thực nghiệm ban đầu cho thấy cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%, kích cỡ hiện đạt 0,3 - 0,4 kg/con, ước tính sản lượng thu về hơn 2.400 kg. Nếu với giá bán như hiện nay 140.000 đồng/kg, trừ chi phí thì lợi nhuận ước tính đạt trên 280 triệu đồng”.

Mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm ở xã Thạch Châu huyện Lộc Hà bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Việc đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi trồng này không chỉ với mục đích để giải quyết những vấn đề khó khăn trên các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh mà còn góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nuôi.

Nguồn giống - bài toán khó

Là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với thời tiết giá lạnh của miền Trung nên việc nhân rộng mô hình này là việc hết sức khả quan, nó giải quyết được những khó khăn mà ngành nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh đang gặp phải. Tuy nhiên, bài toán khó đặt ra cho những người nghiên cứu cũng như đưa mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm vào thực tiễn đó là nguồn giống.

Thiếu chủ động về nguồn giống đang là rào cản để nhân rộng mô hình
Thiếu chủ động về nguồn giống đang là rào cản để nhân rộng mô hình

Hiện nay, nguồn cá giống chưa được chủ động do chỉ mới sản xuất thử nghiệm trong nước nên số lượng cá không đủ cung cấp cho người nuôi. Vì vậy phải nhập cá bột từ Trung Quốc về nuôi tại Quảng Bình nên chất lượng đàn cá nuôi không đảm bảo, giá giống lại khá cao, tốc độ cá phát triển chậm, cá phân đàn nhiều, dẫn đến kéo dài thời gian nuôi. Mặt khác, chúng ta chỉ có thể sản xuất giống khi có chuyên gia người Trung Quốc giúp đỡ còn việc chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cá đối mục thương phẩm vẫn chưa thể làm được do giá thành chuyển giao kỹ thuật quá cao.

Theo anh Dũng – cán bộ phụ trách Dự án nuôi cá đối mục thương phẩm thì sắp tới, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này ra các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh. Ngoài mô hình nuôi đơn cá đối mục, trung tâm sẽ tiến hành nuôi lồng ghép cá đối mục với tôm sú cũng như nuôi thử nghiệm trong lồng. Muốn làm được như vậy, những người tâm huyết với dự án này cần giải quyết được vấn đề về nguồn giống một cách sớm nhất.

Nuôi cá đối mục trong hồ nước mặn lợ là cách vừa dần thay thế được đối tượng nuôi có giá trị kinh tế thấp và các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, vừa đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Hi vọng trong thời gian tới, cá đối mục sẽ trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh nhằm từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giảm thế độc canh con tôm, góp phần đem lại thu nhập cho người nuôi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast