Hương Sơn tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu các trà lúa vụ đông - xuân
Cùng với các địa phương trong tỉnh, Hương Sơn bước vào vụ sản xuất đông – xuân 2009 – 2010 với nhiều thuận lợi mới. Đó là Nghị quyết “Tam nông” của BCH Đảng bộ tỉnh bắt đầu được triển khai mạnh mẽ ở cơ sở; công tác chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 đạt nhiều kết quả cao; các gói kích cầu trong sản xuất nông nghiệp của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả.
Xác định, đông xuân là vụ sản xuất có ý nghĩa quan trọng và quyết định sản lượng cũng như giá trị thu nhập nông nghiệp của năm nên Hương Sơn đặt quan điểm chỉ đạo là phải huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư trên cơ sở lấy chỉ tiêu giá trị thu nhập và giá trị lợi nhuận làm mục tiêu chính trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời với đó, huyện tích cực chỉ đạo đưa nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất để đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích canh tác; từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất gắn với chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vụ đông – xuân này, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 8.050 ha cây ngắn ngày, trong đó: 4.200 ha lúa, 2.400 ha lạc, 400 ha ngô, 350 ha khoai lang, 250 ha sắn, 450 ha rau đậu thực phẩm và 100 ha cây ăn quả các loại; trong chăn nuôi, đưa tổng đàn bò tăng 4%, đàn lợn tăng 5%, đàn hươu tăng 7%, sản lượng thịt hơi đạt 3 ngàn tấn và sản lượng nhung khoảng 5.000 kg.
Theo ông Nguyễn Quang Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, để giành thắng lợi trong vụ sản xuất đông – xuân này, cùng với tiếp tục chỉ đạo hoàn thành chuyển đổi ruộng đất lần 2, Hương Sơn chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo cho việc ổn định diện tích lúa 2 vụ đối với những vùng chủ động tưới tiêu, đồng thời chuyển đổi một số diện tích cao cưỡng không chủ động nước sang trồng cây màu có hiệu quả cao hơn.
Về giải pháp kỹ thuật, huyện yêu cầu các địa phương chỉ đạo bà con tiến hành làm đất sớm để vùi dập gốc rạ, tiêu diệt mầm bệnh; yêu cầu cày sâu kết hợp với bón vôi cải tạo độ chua của đất. Trong cơ cấu giống lúa, Hương Sơn tiếp tục thu hẹp diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn.
Cụ thể, trong trà xuân sớm (480 ha, chiếm 11,4% diện tích lúa), huyện chỉ đạo không cơ cấu giống IR1820 trên vùng ruộng chua vốn thường xuất hiện đạo ôn, rầy nâu phá hoại; trà xuân trung (800 ha, chiếm 19%) tập trung các giống Xi23, NX30, P6, IR35366, trong đó, không cơ cấu giống P6 trên vùng ruộng dễ bị nhiễm rầy nâu; trà xuân muộn (2.920 ha, chiếm 69,6%) tập trung vào hai nhóm giống chính là lúa lai (1.230 ha, với các giống chính như: Khải phong 1, Q.ưu1, Thục Hưng 6) và lúa thuần (1.690ha, với các giống chính như: khang dân 18, PC6, IR352, HT1) với yêu cầu hạn chế việc gieo thẳng, nhất là các diện tích thuộc trà xuân muộn.
Liên quan đến chất lượng các loại giống, vật tư phục vụ sản xuất, cùng với tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người sản xuất mua hàng hóa, vật tư đúng địa chỉ, huyện sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng các cấp tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống cây trồng, vật tư, phân bón trên địa bàn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài các giải pháp kỹ thuật nêu trên, thời gian này, Hương Sơn đang phát động nhân dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập trung vào việc nạo vét các hạng mục đầu mối thuộc các trạm bơm vốn bị bồi lắng sau các đợt mưa lũ vừa qua; tu sửa các hạng mục công trình thủy lợi, kênh mương nhằm đảm bảo quá trình dẫn nước diện ra thông suốt; bàn giao Trạm bơm điện xã Sơn Ninh cho Xí nghiệp quản lý khai thác thủy lợi Hương Sơn để quản lý và bổ sung kế hoạch tưới; tiếp tục đẩy nhanh và phấn đấu hoàn thành chương trình kiên cố hóa kênh mương trong tháng 12 - 2009.
Hải Xuân
{name} - {time}