Khống chế dịch tụ huyết trùng, chủ động ngăn chặn dịch "tai xanh"!

Theo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, trong khi toàn tỉnh đang triển khai các biện pháp khẩn cấp đối phó với nguy cơ bùng phát dịch "tai xanh" đợt 2 (đợt 1 xảy ra từ tháng 4 đến tháng 7) thì tại xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh) đã xuất hiện dịch tụ huyết trùng trâu, bò làm 16/19 con trâu, nghé bị chết...

Kịp thời khống chế dịch tụ huyết trùng trâu, bò

Ngày 1 - 8, chính quyền sở tại phát hiện 1 con trâu đột ngột chết của gia đình ông Nguyễn Đình Ứng, thuộc thôn Tân Phúc Thành (xã Kỳ Lợi).

Kiểm soát chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc ra vào địa bàn sẽ góp phần ngăn chặn dịch "tai xanh" bùng phát
Kiểm soát chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc ra vào địa bàn sẽ góp phần ngăn chặn dịch "tai xanh" bùng phát

Chỉ hai ngày sau, tại thôn Hải Thanh cũng có trâu, nghé bổ bệnh, đưa tổng số gia súc bị bệnh lên đến 19 con và sau đó không lâu thì 15 con trong số này đã lăn quay ra chết.

Kiểm tra bước đầu của cơ quan thú y huyện cho thấy, trâu bò bị chết là do mắc bệnh tụ huyết trùng cấp tính (và có thể ghép thêm bệnh ký sinh trùng đường máu).

Sau khi nhận được tin báo, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo xã Kỳ Lợi thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Cùng với xử lý chôn hủy số gia súc bị chết đảm bảo vệ sinh môi trường, ngành chức năng đã chỉ đạo thú y cơ sở sử dụng 30 lít hóa chất và 1.200 kg vôi bột để tiêu độc khử trùng toàn bộ vùng dịch.

Tiếp đó là tiến hành tiêm vắc xin tụ huyết trùng bao vây ổ dịch cho 120 con trâu, bò ở các thôn có dịch, đồng thời tiến hành chữa trị cho những gia súc nhiễm bệnh nhẹ. Xã Kỳ Lợi cũng đã quyết định tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu bò và sản phẩm trâu bò trên địa bàn.

Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò là bệnh có tính chất thổ nhưỡng (bệnh địa phương) và thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi. Với những gia súc nhiễm bệnh nhẹ thì chỉ cần tiêm 2 liều kháng sinh là có thể chữa khỏi, song, đối với những trường hợp cấp tính thì thời gian từ khi xuất hiện bệnh đến khi đổ gục thường rất nhanh.

"Để chủ động phòng chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa như hiện nay thì không riêng gì xã Kỳ Lợi và các xã còn lại của huyện Kỳ Anh mà các địa phương trong tỉnh cần kiểm soát tình trạng gia súc thả rông để đảm bảo gia súc tránh bị ướt nước trước những trận mưa giông bất chợt. Cùng đó là rà soát tổng đàn gia súc để kịp thời tiêm phòng bổ sung những trường hợp còn bỏ sót trong đợt tiêm từ tháng 4" - ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, có hai nguyên nhân để giải thích cho sự xuất hiện dịch bệnh tụ huyết trùng trâu, bò ở xã Kỳ Lợi. Trước hết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa nên thời tiết rất cực đoan, khí hậu nóng - ẩm đan xen nhau vì thế khi mầm bệnh đang lưu cữu trong đường hô hấp thì gia súc dễ phát bệnh; thứ hai là trong đợt tiêm phòng vụ xuân, toàn xã Kỳ Lợi chỉ có 300/401 con gia súc được tiêm vắc xin tụ huyết trùng nên có thể số gia súc bị bệnh nằm trong số chưa được tiêm phòng (Chi cục chưa khẳng định do đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp tục xác minh thêm).

Chủ động ngăn chặn dịch "tai xanh" ở lợn

Ngoài dịch tụ huyết trùng trâu, bò, hiện nay, tỉnh ta đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch "tai xanh" do cả nước đang có 14 tỉnh, thành bị dịch (phân bố đều ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam). Về phía Bắc, gần với Hà Tĩnh nhất là tỉnh Nghệ An. Về phía Nam, gần với tỉnh ta nhất là Đà Nẵng.

Thực hiện công điện số 17, ngày 3 - 8 của UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, BCĐ phòng chống dịch tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường tại Trạm Kiểm dịch động vật nội địa Gia Lách để chốt chặn gia súc vận chuyển trái phép từ cửa ngõ phía Bắc.

Các hàng rào bảo vệ từ xa cũng đã được thiết lập như: lập chốt kiểm dịch Kỳ Nam (Kỳ Anh) gồm 7 người để trực gác 24/24 giờ nhằm ngăn chặn gia súc mắc bệnh vào địa bàn từ cửa ngõ phía Nam; lập chốt kiểm dịch Đức Thọ đặt tại phía Bắc cầu Thọ Tường (xã Liên Minh) để kiểm soát lợn bị bệnh "tai xanh" từ huyện Nam Đàn (Nghệ An); lập chốt kiểm dịch Sơn Tiến (Hương Sơn) và Phúc Đồng (Hương Khê) để kiểm soát gia súc vận chuyển trên đường Hồ Chí Minh.

Hàng rào bảo vệ bên ngoài để ngăn chặn từ xa đối với dịch "tai xanh" đã được thiết lập. Song, có một "hàng rào" cũng cực kỳ quan trọng và không thể xem nhẹ đó chính là "hàng rào lòng dân", đơn giản hơn chính là ý thức tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc của mỗi một người dân.

Liên quan đến việc phòng, chống dịch mà mỗi người dân, các chủ hộ chăn nuôi đều có thể cảm nhận rõ nhất chính là khâu mua con giống từ ngoại tỉnh về - đây là con đường rước mầm bệnh vào địa bàn một cách nhanh nhất.

Cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn

Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp mà người dân còn có thể thực hiện, đó là thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung đối với những gia súc mới nhập đàn; khai báo sớm gia súc có biểu hiện bệnh với chính quyền sở tại và cơ quan thú y để khoanh vùng xử lý bệnh trong diện hẹp, tránh làm lây lan thành dịch.

Tỉnh ta đã rất thành công khi ngăn chặn có hiệu quả đợt dịch "tai xanh" vừa qua và đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch của đợt dịch mới này.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả, ngay lúc này, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp từ tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia súc ra vào địa bàn, giám sát dịch bệnh trong dân, cho đến việc soát xét lại tổng đàn để lên kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm phòng đơt hai, bắt đầu triển khai từ đầu tháng 9 tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast