Kỳ Anh đánh thức tiềm năng kinh tế vùng thượng

Phát triển chè công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc đang được xem là một trong những mũi nhọn kinh tế xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân các xã vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Với hướng đi này, huyện xác định mục tiêu đến năm 2020 diện tích chè đạt 1.200 ha, giá trị sản xuất đạt trên 30 tỷ/ năm; tổng đàn trâu, bò 18.000 con, trong đó bò lai sind chiếm 50% tổng đàn, tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 45% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp...

Hiệu quả từ một hướng đi

Vùng thượng huyện Kỳ Anh gồm 7 xã (Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc Kỳ Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Trung) có tổng diện tích đất tự nhiên 51.520 ha. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, đây là vùng đất có tiềm năng, lợi thế để phát triển trồng cây lâu năm, nguyên liệu, đặc biệt là cây chè công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.

Năm 1983, Nông trường 12-9 (nay là Xí nghiệp Chè 12-9) chuyển đổi từ trồng cây cọ dầu sang trồng chè công nghiệp. Trải qua bao thăng trầm, có những lúc rơi vào bế tắc do ảnh hưởng của tư duy sản xuất theo cơ chế bao cấp và biến động thị trường; song đến nay cây chè đang dần bén duyên và khẳng định hiểu quả kinh tế trên đất đồi vùng thượng.

Thu hoạch chè tại xã Kỳ Trung

Thu hoạch chè tại xã Kỳ Trung

Cùng với các chính sách khuyến khích của Nhà nước, huyện Kỳ Anh đã chỉ đạo các trong vùng và Xí nghiệp Chè 12-9 du nhập các giống chè mới; đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh đồng bộ nên năng suất, chất lượng chè ngày càng cao, được người tiêu dùng tin tưởng. Đến năm 2009, vùng thượng có 225ha chè công nghiệp, năng suất bình quân 12 tấn búp tươi/ha, sản lượng 2.400 tấn, giá trị 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 700 lao động. Gia đình ông Nguyễn Đình Sinh ở xóm Đất Đỏ, xã Kỳ Trung hiện có gần 1ha chè, đạt năng suất từ 13 - 15 tấn/ha. Đến tháng 10-2009, gia đình ông đã thu hoạch 15 tấn, giá trị khoảng 40 triệu đồng, dự tính đến hết năm sẽ đạt 17 tấn. Ông Sinh cho biết: “Nhờ có giống tốt, áp dụng kỹ thuật chăm bón hợp lý nên chè của gia đình đạt năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, được Xí nghiệp Chè 12-9 bao tiêu sản phẩm nên thu nhập từ cây chè khá ổn định. Nguồn thu này đã giúp gia đình trang trải mọi chi tiêu hàng ngày và đầu tư cho 3 con học THPT và học nghề". Trong lời tâm sự của mình, ông Sinh không giấu dự định sẽ đầu tư mở rộng diện tích sản xuất khi có thêm vốn.

Xí nghiệp Chè 12-9 thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân

Xí nghiệp Chè 12-9 thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân

Cùng với việc chú trọng mở rộng diện tích trồng chè, phát triển các mô hình vười đồi, vườn rừng, Đảng bộ, chính quyền huyện Kỳ Anh cũng đặc biệt quan tâm phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện nói chung và tại các xã vùng thượng nói riêng. Điều này được thể hiện bằng nhiều văn bản chỉ đạo; đặc biệt là Nghị quyết số 09- NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về lãnh đạo phát triển chăn nuôi.

Trên cơ sở đó, các xã đều xây dựng chương trình, kế hoạch; đề ra các mục mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển chăn nuôi... Đàn gia súc từ đó không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Hiện nay, 7 xã vùng thượng có tổng đàn trâu 7.685 con, đàn bò 5.161 con. Các mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng trang trại, nhất là nuôi bò lai sind, trâu thịt, trồng cỏ nuôi bò... xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều hộ có quy mô đàn trâu, bò từ 25 - 40 con. Điển hình như gia đình bà Hồ Thị Lan ở xóm Hậu Cần, xã Kỳ Trung có đàn trâu, bò 38 con, trong đó trâu sinh sản 12 con. Thu nhập từ bán trâu thịt, nghé giống mỗi năm mang lại cho gia đình bà từ 90 - 110 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn phân chuồng từ chăn nuôi bán cho Xí nghiệp Chè 12-9 và các hộ trồng chè mỗi năm từ 50-70 tấn, trị giá khoảng 7-10 triệu đồng. Gia đình bà đã mua sắm được nhiều tiện nghi, vật dụng có giá trị. Theo bà Lan, nếu không có nguồn thu nhập từ chăn nuôi thì gia đình không thể "mơ" tới cuộc sống như hôm nay.

Nhân dân vùng thượng Kỳ Anh phát triển chăn nuôi bò đàn

Nhân dân vùng thượng Kỳ Anh phát triển chăn nuôi bò đàn

Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm

Cùng với phát triển CN-TTCN, du lịch – dịch vụ vùng phía Nam và các thị tứ, thị trấn; đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây – con, mùa vụ ở các xã phía Bắc, Kỳ Anh xác định phát triển kinh tế trang trại, gia trại, điểm nhấn là trồng chè công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc là mũi nhọn nhằm xây dựng vùng thượng trở thành một trong những khu kinh tế trọng điểm của huyện. Với định hướng này, bên cạnh chỉ đạo nhân dân phát triển mô hình vườn đồi, vườn rừng, Kỳ Anh đang xây dựng và triển khai đề án phát triển chè công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc vùng thượng. Theo đó, mục tiêu của Kỳ Anh là đến năm 2015 hình thành các vùng chè chuyên canh có tổng diện tích 800 ha, đến năm 2020 diện tích chè toàn huyện đạt 1.200 ha, sản lượng 12.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 30 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Về chăn nuôi đại gia súc, đến năm 2015 có trên 16.000 con, năm 2020 có 18.000 con trâu, bò; trong đó bò lai sind chiếm 50%, tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 45% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trao đối với chúng tôi, ông Phan Bình Minh - Bí thư Huyện uỷ Kỳ Anh cho biết: “Phát triển kinh tế vùng thượng theo hướng sản xuất chè công nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc mang tính hàng hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các xã thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này như ở các vùng kinh tế trọng điểm khác trên địa bàn; đồng thời, thu hút và đa dạng hoá các nguồn đầu tư; huy động tối đa các nguồn lực... nhằm thực thành công các mục tiêu đã đề ra”.

Để các mục tiêu trên sớm trỏ thành hiện thực, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, trọng tâm là chỉ đạo các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng chè tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông nội vùng, thuỷ lợi, cơ sở chế biến phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho trồng, chăm sóc và thu hoạch chế biến sản phẩm; du nhập, lai tạo nâng tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò; tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè, kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc.. đến tận mỗi hộ dân. Bên cạnh đó, huyện đề ra cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về giống, đất đai, nguồn vốn; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và khai thác tiềm năng thị trường nội địa nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast