Lúa lai trên đồng ruộng Hương Khê

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở, song phải khẳng định việc đưa các giống lúa lai về triển khai và nhân rộng ở Hương Khê đã thực sự đem lại những kết quả đáng mừng. Đây cũng là hướng đi đúng để bà con nông dân huyện miền núi đẩy mạnh thâm canh đầu tư sản xuất, mang đến những mùa vui.

Từ những mô hình trình diễn...

Xã Hòa Hải là địa phương tiên phong trong phong trào gây dựng và phát triển giống lúa lai của huyện Hương Khê. Lúa lai đã đưa Hòa Hải trở thành vựa lúa lớn nhất toàn huyện.

Giống lúa lai nhị ưu – 838 được bà con Hương Khê sử dụng phổ biến
Giống lúa lai nhị ưu – 838 được bà con Hương Khê sử dụng phổ biến

Từ những năm 1996, chính quyền địa phương đã tiến hành nghiên cứu và hướng dẫn người dân mạnh dạn đầu tư thâm canh phát triển cây lúa. Những ngày đầu xã đã tiến hành thí điểm một số mô hình trồng lúa lai với diện tích khoảng 5 ha và những mô hình trình diễn này được xã trợ giá giống 50%.

Ông Phạm Văn Chương (xóm 6) là một trong những người đầu tiên tham gia vào mô hình tâm sự: “Hồi nớ chưa ai làm cả tui cũng chỉ dám nhận một vài sào về làm. Thời gian đầu vẫn chưa biết chọn giống, chăm sóc cây mạ nên năng suất vẫn chưa cao. Mùa này qua mùa khác tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng suất cao hơn nên tui cũng nhân thêm vài sào về làm. Bà con xung quanh từ đó cũng bắt đầu nhận ruộng về làm”.

Trải qua những khó khăn về kỹ thuật canh tác, thiên tai, hiện nay, mô hình trình diễn này đã được triển khai rất rộng rãi không chỉ ở Hòa Hải mà còn trên rất nhiều địa phương khác: Phúc Đồng, Hưng Vĩnh, Phú Gia, Gia Phố… Có thể nói trên toàn huyện Hương Khê hiện nay dù nhiều dù ít xã nào cũng có diện tích lúa lai. Các giống lúa cũng được sử dụng rất phong phú và thay đổi tùy theo điều kiện tự nhiên cũng như năng suất.

Đến những cánh đồng vui

Về với Hương Khê vào những ngày tháng 6 bà con các xã trên địa bàn đều hối hả triển khai gieo cấy lúa hè thu trên diện rộng. Toàn huyện hiện có 1.400 ha trên diện tích trồng lúa với gần 90% là lúa lai. Hòa Hải chiếm diện tích lớn nhất 345 ha, Gia Phố 250 ha, Phú Gia 125 ha, Lộc Yên 74ha… Nhờ được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật thâm canh và phòng chống sâu bệnh nên bà con nông dân Hương Khê ngày càng phát huy được lợi thế về năng suất, sản lượng mà cây lúa lai mang lại để nâng cao giá trị sản xuất.

Đập Đá Hàn đang được đầu tư xây dựng mở rộng cung cấp nước cho các xã Hòa Hải, Phúc Đồng

Đập Đá Hàn đang được đầu tư xây dựng mở rộng cung cấp nước cho các xã Hòa Hải, Phúc Đồng

Để hỗ trợ người dân đẩy mạnh thâm canh cây lúa lai, chính quyền địa phương các xã đã tập trung xây dựng các mạng lưới thủy lợi và tưới tiêu về tận các đồng ruộng. Hiện nay Hương Khê đã xây dựng được hệ thống hồ đập phục vụ tích cực cho bà con sản xuất như đập Đá Hàn, Đập Ba Ra, đập Miêu, đập Nhà Thẫn… Đáng chú ý là công trình đập Đá Hàn do Bộ Nông nghiệp chủ đầu tư với kinh phí 400 tỷ dự kiến sẽ hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay.

Ông Lê Tiến Đài – Phó Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê phấn khởi cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay nhờ làm tốt công tác thủy lợi cũng như thâm canh nên bà con thu về một mùa bội thu. Năng suất bình quân lúa lai đạt từ 3 – 3.5 tạ/ sào. Hầu hết giống lúa Nhị ưu – 838 đều được các hộ dân ở đây triển khai vào trà xuân muộn năng suất 60 tạ/ha. Từ một huyện chuyên phải nhập lương thực từ các huyện khác, những năm gần đây bà con đã có thể tự cung tự cấp và điều hòa lương thực trong toàn huyện.

Mặc dù giống lúa lai từ khi áp dụng vào sản xuất cho đến nay đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng trên nhiều địa bàn của huyện Hương Khê, song bà con nơi đây vẫn chưa thực sự yên tâm khi triển khai sản xuất. Khó khăn lớn nhất của bà con là khâu giống. Các giống lúa lai đều nhập ngoại và giá rất đắt. Có những gia đình mua đến 2 – 3 triệu tiền giống. Bên cạnh đó, trên địa bàn vẫn chưa có đại lý cung ứng giống nên bà con rất bị động trong sản xuất. Khó khăn nữa là Hương Khê thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lụt nên bà con ở đây luôn trong tình thế vừa làm vừa nơm nớp lo sợ mất mùa do thiên tai. Bởi vậy, người nông dân mong muốn có được sự định hướng, hỗ trợ của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp trong quá trình phát triển cây lúa lai một cách bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast