Nghi Xuân tập trung quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngay đầu nhiệm kỳ 2011-2016, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn đều xác định mục tiêu xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, cách thành phố Vinh (Nghệ An) 7 km với nhiều di tích lịch sử, bãi biển là tiềm năng, lợi thế quan trọng để Nghi Xuân tạo ra các mối liên kết về du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Cùng đó, với điều kiện đất đai phong phú, phù hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi tạo sự đa dạng các sản phẩm hàng hóa nơi đây, Nghi Xuân còn có 32 km bờ biển và cảng cá Cửa Hội là lợi thế để phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản.

Với nhiều di tích lịch sử, văn hoá là điều kiện để Nghi Xuân phát triển du lịch văn hoá
Với nhiều di tích lịch sử, văn hoá là điều kiện để Nghi Xuân phát triển du lịch văn hoá

Ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho biết: “Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng NTM và tình hình thực tế của địa phương, đến nay, huyện đã hoàn thành đề án xây dựng NTM toàn huyện giai đoạn 2011-2025. Trước mắt, tập trung nguồn lực xây dựng xã Xuân Viên làm điểm, sau đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng...".

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, quy hoạch NTM toàn huyện được định hướng theo 3 vùng có điều kiện tự nhiên, KTXH, hướng phát triển các ngành nghề phù hợp: vùng sản xuất nông nghiệp (gồm 7 xã) chủ yếu trồng lúa nước gắn với phát triển trang trại, du lịch sinh thái; vùng giữa (5 xã) phù hợp với trồng cây công nghiệp ngắn ngày và kết hợp thương mại dịch vụ - du lịch; vùng 3 (5 xã) phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản.

Trong đề án xây dựng NTM toàn huyện, Nghi Xuân đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn như: năm 2011 phải tiến hành lập đề án và quy hoạch xây dựng NTM cho 17/17 xã; tập trung chỉ đạo để năm 2013 xã Xuân Viên hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM; phấn đấu đến 2015 có 3 xã tiếp theo đạt chuẩn 19/19 tiêu chí và 9 xã đạt từ 17 tiêu chí trở lên. Để làm công tác quy hoạch xây dựng NTM, huyện đã chủ động mời đơn vị tư vấn Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh lập quy hoạch NTM cho 17 xã trên địa bàn; phân công các thành viên trong ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện bám sát địa bàn và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng quy hoạch.

Trang trại chăn nuôi tập trung của anh Đinh Thế Hữu (Xuân Viên) cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng
Trang trại chăn nuôi tập trung của anh Đinh Thế Hữu (Xuân Viên) cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng

Đối với xã Xuân Viên là đơn vị làm điểm, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt tiêu chí quy hoạch sử dụng đất nhằm phát huy các thế mạnh của địa phương. Cụ thể, theo quy hoạch, Xuân Viên giảm tối đa diện tích trồng lúa, tăng diện tích các loại cây ngắn ngày, cây rau màu có giá trị kinh tế cao; xây dựng vùng chuyên canh lạc năng suất cao, phát triển chăn nuôi (bò, lợn); thu hút các doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp đầu tư vào địa bàn; hình thành các tổ hợp, HTX làm kinh tế để trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho nông dân. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương cấp, huyện còn có chính sách ưu tiên cho xã được hưởng 100% số tiền thuế thu từ đấu giá đất.

Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM nhằm phát huy vai trò mỗi người dân trong tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, huyện còn phát động phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương tham gia chương trình. Các cấp ủy đảng dựa vào chức năng, nhiệm vụ và khả năng cán bộ, phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể.

Mô hình cá-lúa-vịt kết hợp của gia đình Lê Văn Bàng (xã Xuân Liên) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng
Mô hình cá-lúa-vịt kết hợp của gia đình Lê Văn Bàng (xã Xuân Liên) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Trong điều kiện ngân sách của huyện còn hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn trong giai đoạn đầu còn gặp không ít khó khăn nên huyện chú trọng lồng ghép đề án với các dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Việc này không chỉ giúp các xã thực hiện tốt các tiêu chí của đề án mà còn là động lực và tiền đề để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là sự đóng góp của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tin chắc công cuộc xây dựng NTM ở Nghi Xuân sẽ đạt kết quả và lộ trình đề ra.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast