Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Nhằm đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, vừa qua Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương phát động cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Gian hàng may mặc hàng Việt nam chất lượng cao tại Công ty CP Thương mại Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Tân

Để cuộc vận động thật sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả một cách bền vững, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng SXKD, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Các doanh nghiệp, người SXKD trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đồng thời nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa của người Việt Nam.

Về phía T.Ư, nhanh chóng ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế trong nước không trái với các quy định của WTO, khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu; hỗ trợ các DN tổ chức điều tra khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất; xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa; tăng cường hệ thống phân phối, bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Mặt khác phải tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại sản phẩm, hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống con người như lương thực, thực phẩm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast