Phát triển nuôi trồng thủy sản với chiến lược bền vững

Nhìn chung, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Hà Tĩnh đã có bước phát triển tương đối rõ nét. Song vẫn chưa “thấm” gì so với tiềm năng lợi thế. Hay nói cách khác hiệu quả từ NTTS mang lại còn bập bênh, thiếu bền vững. Vậy để NTTS trở thành ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp thì cần phải có tầm nhìn chiến lược và thực hiện giải pháp một cách đồng bộ từ trên xuống.

Thu hoạch
Thu hoạch

Thiếu vốn, ngại đầu tư

Trong những năm qua NTTS có bước phát triển tương đối ổn định. Hàng năm đã “khơi dậy” được những tiềm năng đất đai hoang hoá, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang NTTS… Hầu hết những diện tích này sau khi chuyển đổi đều phát huy hiệu quả, đem lại giá trị cao trên đơn vị diện tích. Năng suất hàng năm tăng lên, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,23%/năm.; sản lượng tăng trưởng bình quân đạt 7,58%/năm.

Là lĩnh vực sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao nên NTTS thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, tạo thành nghề mới ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 256 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản kết hợp có quy mô từ 2 ha trở lên, 17 doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản. Điều đáng mừng mỗi năm nghề NTTS ở tỉnh ta giải quyết việc làm và tạo nguồn thu khá cao và ổn định cho khoảng 20 ngàn lao động, góp phần XĐGN, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn..

Tuy nhiên nhìn tổng quan thì NTTS ở Hà Tĩnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Mới chiếm một phần nhỏ trong diện tích đã được tỉnh quy hoạch, trong đó nuôi nước ngọt đạt khoảng 39,5% so với quy hoạch; nuôi mặn - lợ 72,5% so với quy hoạch. Về năng suất cũng còn thấp thua so với so với các tỉnh Bắc Trung bộ. Ví như sản phẩm nuôi tôm xuất khẩu, năm 2009 toàn tỉnh mới đạt 2100 tấn/2.360 ha, trong khi đó Nghệ An lại đạt 3.520 tấn/1.702 ha, Quảng Bình đạt 2.309 tấn/1.231 ha.

Kiểm tra cá nuôi
Kiểm tra cá nuôi

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên ? Anh Trịnh Quang Luật – Kỹ sư thuỷ sản phòng NN- PNTT huyện Nghi Xuân cho rằng: Đa số người dân chưa mạnh dạn đầu tư cho NTTS. Nuôi tôm muốn có hiệu quả cao trước hết phải được đầu tư đồng bộ, áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều hồ tôm ở tỉnh ta hệ thống kênh mương xuống cấp, sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu cả chục năm mà nhưng vẫn không được nâng cấp, sửa chữa. Đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở tôm, năng suất, chất lượng đạt thấp. Song, khía cạnh khác thì phát triển manh mún, nhỏ lẻ trong NTTS là do việc cấp đất cho NTTS tại một số địa phương có thời hạn quá ngắn (5 năm) dẫn đến người dân ngại đầu tư sợ bị thu hồi đất. Mặt khác, người dân thiếu vốn, nguồn vay cho NTTS lại gặp rất nhiều khó khăn. Người dân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nhìn chung có trình độ dân trí thấp. Điều đó sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Còn theo ông Trần Đắc Đại – Phó phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên - về NTTS vẫn còn một số tồn tại trong công tác tổ chức sản xuất. Việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều. Sự liên kết 4 nhà trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản còn hạn chế dẫn đến khó khăn về “đầu ra” nhất là vào mùa thu hoạch lớn người dân đều bị tư thương ép giá...

Giải pháp bền vững

Hà Tĩnh có tiềm năng khá dồi dào khoảng hơn 24 nghìn ha diện tích có khả năng đưa vào NTTS cả nước ngọt và mặn lợ cùng hàng trăm nghìn người đang ở độ tuổi lao động. Vì vậy, cần phải khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế diện tích đất, mặt nước và các nguồn lực để phát triển NTTS theo hướng công nghiệp, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Nhận thấy đây là lĩnh vực quan trọng trong “chiến lược” phát triển kinh tế của tỉnh, ngành NN- PTTT vừa xây dựng đề án phát triển NTTS giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng 2020. Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục NTTS thì đề án tập trung cho phát triển NTTS theo hướng thâm canh, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường đối với nuôi tôm; phát triển các loài cá kinh tế, giống mới và thủy đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, chú trọng đến vấn đề sản xuất con giống, dịch vụ thức ăn, chế phẩm sinh học và vật tư thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 diện tích NTTS ở tỉnh ta tăng lên 8.300 ha, bình quân tăng 1,3 %/năm, trong đó nuôi nước ngọt 5.300ha; nuôi mặn lợ 3.000 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 21.107 tấn, tăng 50% so với năm 2009, bình quân tăng 8.3%/năm mang lại giá trị sản xuất 925 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 25.000 người. Sản phẩm nuôi trồng có giá trị xuất khẩu (chủ yếu tôm) đạt: 22 triệu USD. Đến năm 2020 diện tích nuôi trồng 8.800 ha với sản lượng đạt 30.000 tấn, tăng 42% so với năm 2015.

Anh Bùi Văn Hợp, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà đang thu hoạch cá diêu hồng
Anh Bùi Văn Hợp, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà đang thu hoạch cá diêu hồng

Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN- PTTT cho rằng: Trước hết cần phải rà soát, điều chỉnh để xây dựng quy hoạch về đất đai cho NTTS. Trong đó quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản phải hài hoà, phù hợp với các quy hoạch của các địa phương. Gần đây trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người tham gia. Qua đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch chi tiết một số vùng nuôi tập trung, nuôi công nghệ cao, vùng nuôi tôm trên cát. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thuê đất NTTS ổn định, lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi đã được quy hoạch nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh vào thuê đất để đầu tư NTTS. Đối với hình thức nuôi cần tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt đáy, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có lót bạt... Mở rộng diện tích nuôi cá lúa, trang trại thuỷ sản tổng hợp tại các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân. Liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh (Công ty CP xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh và Công ty CP xuất nhập khẩu thuỷ sản Hà Tĩnh) để có kế hoạch ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Bố trí nuôi rãi vụ để dễ tiêu thụ sản phẩm và có giá đầu ra tốt cho người nuôi....

Phát triển NTTS là hướng đi tất yếu trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn của tỉnh. Đây là lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân tham gia. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành và chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast