Rừng Ngã Đôi xanh

Kháng chiến chống Pháp thành công, nhu cầu tái thiết đất nước đòi hỏi nguồn lâm sản lớn nên Nông trường tà vẹt Ngã Đôi được thành lập (tiền thân của Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn và nay là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn­}.­ Trải qua hơn nứa thế kỷ được xác lập với nhiều biến động của lịch sử nhưng rừng Ngã Đôi (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn) vẫn giữ nguyên một màu xanh vời vợi.

Bên gốc một cây lim có tuổi đời gần hai thập kỷ
Bên gốc một cây lim có tuổi đời gần hai thập kỷ

Đã nghe kể nhiều về rừng Ngã Đôi nhưng phải đến đầu đông này, tôi mới có dịp thỏa lòng mong ước . Theo cắt nghĩa của anh Nguyễn Huy Lợi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh – người đã có hàng chục năm gắn bó với đại ngàn Hương Sơn thì cái tên Ngã Đôi cũng đơn giản như thuộc tính của từ này. Đó là, men theo con đường hẹp giao cắt với Quốc lộ 8A đoạn cuối của thị trấn Tây Sơn đi về phía Bắc Trường Sơn chừng 4 km, ta sẽ bắt gặp hai nhánh rừng; tại đó, sẽ có hai lối dẫn sâu vào rừng để người đi lựa chọn. Dĩ nhiên, nếu không theo chân những người giữ rừng nơi đây thì dù bạo gan đến mấy, người lạ cũng không dám một mình thọc sâu giữa rừng xanh hun hút.

Rừng Ngã Đôi hiện nằm dưới sự quản lý của Phân trường Ngã Đôi (thuộc BQL xây dựng bảo vệ rừng Bà Mụ, trực thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn). Với diện tích xấp xỉ 5 ngàn ha, rừng Ngã Đôi trải rộng trên 4 tiểu khu (33, 34, 38 và 51), trong đó tiểu khu 33 đang sở hữu một khu rừng lim tái sinh vô giá (có diện tích 69 ha) khi đã được đơn vị chủ quản quy hoạch thành rừng giống để phục vụ cho việc tái sinh rừng ở những diện tích đã khai thác.

Tại đây, hiện vẫn còn bạt ngàn cây lim có tuổi đời từ 16 – 17 năm, cao từ 5 – 7 m, đường kính từ 40 – 60 cm. Xen lẫn với đó là đủ loại lứa lim từ vài năm, dăm bảy năm đến trên dưới chục năm tuổi. Cứ 2 năm một lần, những cây lim già tỏa bóng mát rượi lại cho quả một lần. Mỗi cây lim đến độ chín có thể cho từ 2 – 3 kg hạt. Chờ khi quả chín rụng, những người công nhân Phân trường Ngã Đôi lại tỉ mẫn gom nhặt những hạt lim quý báu về tập kết tại vườn ươm giống cây bản địa của Công ty để ươm mầm nảy cây phục vụ công tác tái sinh rừng giữa đại ngàn Hương Sơn.

Anh Nguyễn Thế Tuấn – Phụ trách Phân trường Ngã Đôi chuyện rằng, ngoại trừ khu rừng giống lim này thì rừng Ngã Đôi chủ yếu là rừng hỗn giao với nhiều loại cây bản địa có giá trị như: táu, de, săng mây… Hàng năm, ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, chăm sóc, tỉa thưa những cánh rừng tái sinh hiện có, đơn vị còn tiến hành trồng bổ sung ở những diện tích có mật độ cây còn thưa (chưa đạt 500 cây/ha).

Cũng như nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn khác, việc quản lý, bảo vệ luôn thường trực hàng ngày, thậm chí là hàng giờ trong mỗi cán bộ, nhân viên Phân trường Ngã Đôi trước không ít con mắt dòm ngó của những người dân thiển cận, vốn chỉ biết sống dựa vào rừng để vụ lợi. Bởi thế, vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, phát triển rừng luôn được phân trường chú trọng. Ngoài ra, đơn vị còn tranh thủ tốt sự phối hợp với các lực lượng liên quan như kiểm lâm địa bàn hay chiến sĩ biên phòng Đồn cửa khẩu Cầu Treo trong việc tuần tra kiểm soát nhằm đẩy đuổi từ xa đối với những trường hợp lén lút khai thác rừng.

Cũng theo anh Tuấn, do vùng rừng mà Phân trường Ngã Đôi quản lý không thuộc diện khai thác nên đời sống của cán bộ, nhân viên nơi đây chủ yếu dựa vào tiền lương khoán của công ty. Khó khăn, vất vả là thế nhưng bằng tinh thần trách nhiệm của những người đang ngày đêm giữ vững màu xanh cho những cánh rừng tái sinh, chúng tôi không mảy may xao động trước những cám dỗ tầm thường. Nhờ đó mà rừng Ngã Đôi luôn khép tán và xanh tươi suốt hàng chục năm qua. Cũng nhờ những hạt giống lim từ khu rừng này mà có thêm nhiều cánh rừng trên địa bàn Hương Sơn được tái sinh, sinh trường và phát triển tốt, góp phần đảm bảo tốt vấn đề phòng hộ đầu nguồn cũng như gia tăng giá trị kinh tế cho công ty.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast