Sôi nổi Chiến dịch Giao thông - Thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất đông xuân

Những ngày qua, khí thế lao động sôi nổi, khẩn trương đã diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh và trên các hệ thống công trình thủy lợi thuộc sự quản lý của các doanh nghiệp thủy nông...

Chúng tôi có mặt tại xã Thuần Thiện (Can Lộc) đúng lúc gần 50 cán bộ, công nhân lao động Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Can Lộc đang tập trung để dựng dậy 35m chiều dài bờ Tây của tuyến kênh Đông Cu Lây, vốn bị lũ xô đổ trong trận đại hồng thủy vừa qua. Anh Trần Hùng - Cụm trưởng Cụm quản lý Cu Lây - Cầu Trù cho biết: Suốt 10 ngày nay, 12 cán bộ, công nhân trong Cụm tập trung đào đắp và nạo vét hàng trăm khối đất bồi lắng ở các tuyến kênh Bắc và Tây Cu Lây. Hôm nay, với sự tiếp sức của hơn 30 cán bộ, công nhân được Công ty điều từ các cụm, trạm lân cận về, đơn vị chúng tôi bắt tay vào việc dựng những tấm mương bê tông bị đổ, sau đó, đổ giằng ngang giữa hai bờ kênh nhằm đưa tuyến kênh Đông Cu Lây kịp phục vụ sản xuất đông xuân. "Về lâu dài, những mảng bê tông được dựng lên hiện nay phải được dỡ đi để đổ lại thì tuyến kênh mới đảm bảo an toàn trong vận hành tưới", anh Hùng nhấn mạnh.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc tập trung tu sửa tuyến kênh Đông Cu Lây đoạn qua xã Thuần Thiện (Can Lộc)
Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc tập trung tu sửa tuyến kênh Đông Cu Lây đoạn qua xã Thuần Thiện (Can Lộc)

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Can Lộc cho biết: Hai trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ thống công trình thủy lợi nằm trên địa bàn các huyện Can Lộc và Lộc Hà; trong đó nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng như: tràn xả lũ đập chính hồ Vực Trống, tràn xả lũ đập chính hồ Trại Tiểu, tràn Cá Gáy, tràn Đập Bạng, tràn Nhà Đường, tràn Khe Trúc, tiêu năng tràn xả lũ hồ Cu Lây, tiêu năng tràn Đồng Hố, kênh Cửa Thờ, kênh Đông Vực Trống, kênh Đông Cu Lây, kênh Mỹ Lộc... Để đảm bảo tưới cho vụ đông xuân tới, nhất là hưởng ứng chiến dịch làm giao thông - thủy lợi nội đồng (GT - TL NĐ) của tỉnh, từ ngày 25/10, Công ty đã đồng loạt ra quân khắc phục hậu quả trên các tuyến kênh bị vỡ, bảo dưỡng hệ thống máy bơm điện bị ngập nước. Sau 10 ngày lao động với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, toàn đơn vị đã đào đắp, nạo vét gần 2.000 m3 đất, phát quang 12.560 m2 cây cỏ, ghép 530 m3 đá hộc, đổ 60 m3 bê tông trên chiều dài hơn 7 km kênh mương.

Cũng theo ông Quang, thời gian từ nay đến ngày mở nước tưới làm đất vụ đông xuân chỉ còn vài tuần nữa nhưng khối lượng công việc còn khá bộn bề. Khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị là thiếu kinh phí để sửa chữa các hạng mục cỡ trung và lớn, đòi hỏi đến máy móc, thiết bị lẫn vật liệu, sắp thép.

Cùng chung cảnh ngộ đó còn có Công ty TNHH MTV Thủy lợi Linh Cảm. Theo ông Trần Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty, hệ thống kênh Linh Cảm có đến 18 điểm bị vỡ, trong đó, có điểm dài tới 50m. Dự kiến trong đợt ra quân làm giao thông - thủy lợi lần này, Công ty sẽ đào đắp hàng chục ngàn khốiđất, đổ 126 m3 bê tông và ghép 372 m3 đá các loại. Để kịp thời phục vụ sản xuất trong thời gian tới, đơn vị đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí cho việc sửa chữa các hạng mục lớn vì nguồn dự phòng năm 2010 đã phân bổ hết.

Thiếu kinh phí để sửa chữa các hạng mục lớn đang là trở ngại trong việc phục vụ sản xuất của các đơn vị thủy nông
Thiếu kinh phí để sửa chữa các hạng mục lớn đang là trở ngại trong việc phục vụ sản xuất của các đơn vị thủy nông

Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, chiến dịch làm GT - TL NĐ là hoạt động có tính truyền thống của ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp thủy nông và đông đảo bà con nông dân trong tỉnh. Không như nhiều năm trước, đợt ra quân lần này còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, nhiệm vụ cũng nặng nề hơn do còn phải kết hợp với việc khắc phục hậu quả các trận lũ lịch sử vừa qua. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đó, UBND tỉnh đã kéo dài thời gian triển khai chiến dịch thêm 20 ngày (từ 25/10 - 15/12) thay vì một tháng như lâu nay.

Do phải tập trung ổn định đời sống dân sinh sau lũ nên các huyện, thành, thị ra quân làm GT - TLNĐ có phần chậm hơn, song, đến nay, nhiều huyện như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Hương Sơn... đã phát động chiến dịch với khí thể sôi nổi, khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Tuần - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay, ngoài chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đồng bộ trên các xứ đồng, sửa chữa các công trình GT - TLNĐ bị hư hỏng, nạo vét các tuyến kênh tưới, chỉnh trang bờ vùng bờ thửa, huyện còn yêu cầu các địa phương phối hợp với các công ty thủy nông Kẻ Gỗ, Sông Rác tập trung tu sửa các tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 theo từng địa bàn.

Để làm cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18 của UBND tỉnh, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh đã tham mưu để Sở NN&PTNT ban hành Hướng dẫn 2765/SNN - TL. Theo đó, ngoài ngày công lao động, các địa phương, đơn vị huy động thêm nguồn cấp bù thủy lợi phí, nguồn do dân đóng từ phí dịch vụ thủy lợi nội đồng, nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ, nguồn chống hạn và một số nguồn khác.

Tổng hợp mới nhất từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho thấy, sau hơn 10 ngày ra quân triển khai chiến dịch làm GT - TL NĐ, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 5.803 ngày công lao động với khối lượng đất đào, đắp, nạo vét đạt 6.888 m3 trên chiều dài 115 km kênh mương các loại. Đánh giá bước đầu thì cơ bản các địa phương, đơn vị đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tổ chức nhân lực ra quân lao động với khí thế sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn một số địa phương chưa triển khai chủ trương này vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến phong trào toàn tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast