Tỷ phú bên chân sóng

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tàn nhưng không phế”, trở về từ chiến trường với đầy mình thương tích, thương binh Nguyễn Văn Việt (xã Mai Phụ - Lộc Hà) đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, biến vùng nước mặn bên biển ngang Lộc Hà thành đầm nuôi ngao quy mô, đưa lại doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

Một thời tần tảo

Trong cái nắng gắt nơi vùng quê mặn chát biển ngang Lộc Hà, chúng tôi đã tìm đến đầm ngao của “nhà tỷ phú nuôi ngao” - thương binh Nguyễn Văn Việt. Là thương binh trở về từ chiến trường Campuchia, bằng nghị lực phi thường của mình, anh Việt đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi ngao Bến Tre với doanh thu mỗinăm đạt trên 4 tỷ đồng. Bên bát nước chè xanh thơm phức, anh kể cho chúng tôi nghe về một thời tần tảo, gian lao, vất vả và cả bao phen thất bại để có được thành công như hôm nay.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nhưng bố mất khi anh vừa 7 tuổi nên học xong lớp 5 anh phải gác bút nghiên, đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1977 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh cầm súng lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Và chính trong môi trường quân ngũ ấy đã tôi luyện anh có một ý chí, niềm tin mãnh liệt và một khát khao vô bờ để khi rời quân ngũ trở về địa phương tìm cách làm ăn góp phần thay đổi cuộc sống khó khăn và vất vả nơi vùng biển ngang nghèo khó. Vì thế khi xuất ngũ trở về quê hương, dù mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng anh đã bôn ba khắp mọi nẻo đường từ Bắc chí Nam và anh đã quyết định chọn nghề nuôi trồng thủy hải sản để lập nghiệp. Khởi nghiệp, anh chọn nghề nuôi ốc hương. Bước đầu cũng thu lãi kha khá, nhưng niềm vui chưa trọn thì ốc hương thất bại, để lại khoản nợ khổng lồ hơn 170 triệu đồng. Với bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ cộng với sự động viên của gia đình, bạn bè, anh suy nghĩ “thất bại là bước đệm cho sự thành công”, càng thất bại càng phải tiếp tục cố gắng, từ ý nghĩ đó anh chuyển sang nghề nuôi ngao. Năm 2000, từ hai bàn tay trắng anh tiếp tục vay vốn ngân hàng, vay mượn bạn bè đầu tư trên 250 triệu đồng để khai hoang 3 ha vùng nước lợ nuôi giống ngao địa phương. Những tưởng sự nghiệp từ đây sẽ đổi đời, nào ngờ sau 2 năm nuôi ngao bao nhiêu mồ hôi công sức, vốn liếng bỏ ra đều trôi sông trôi biển. Thất bại chồng lên thất bại nhưng anh vẫn vững tin điểm đến ở phía trước và tiếp tục theo đuổi nghiệp nuôi ngao.

Thành công

Sau bao lần trắng tay và nợ nần từ nghề nuôi ốc hương đến nghề nuôi ngao địa phương nhưng thương binh Nguyễn Văn Việt vẫn nung nấu quyết tâm nuôi ngao. Tuy nhiên, anh không còn mặn mà với giống ngao địa phương và lặn lội vào tận các vùng nuôi ngao ở Bến Tre để đi làm thuê nhằm tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm. Sau gần năm trời “làm mướn” anh đã tích luỹ được nhiều kiến thức nuôi ngao và quyết định trở về đầu tư nuôi giống ngao này.

Tuyển lựa ngao xuất khẩu
Tuyển lựa ngao xuất khẩu

Trước lúc trở về quê, bằng đồng tiền tích góp làm thuê và số tiền của vợ vay mượn gửi vào, anh mua được 10 kg ngao giống, về thả nuôi trên diện tích 5 ha với mật độ nuôi 200 con/m2. Sau hơn 1 năm chăm sóc, gia đình anh lãi ròng trên 50 triệu đồng. Thành công bước đầu ấy giúp anh Việt mạnh dạn nhân rộng mô hình nuôi ngao lên 17 ha; trong đó diện tích nuôi ngao thịt 12 ha; 5 ha còn lại được được sử dụng ươm ngao giống. Nhờ có kiến thức, kinh nghiệm và giống ngao hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Tĩnh nên anh liên tục thắng lợi. Mấy năm liên tục lại nay, bình quân mỗi năm sản lượng ngao đạt từ 200-300 tấn, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng, trừ mọi chi phí gia đình anh còn lãi ròng trên 1 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho trên 50 lao động địa phương có thu nhập ổn định với mức lương trên 2 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm ngao của anh không những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được bạn hàng lựa chọn làm sản phẩm xuất khẩu sang các nước như: Nhật bản, Trung Quốc và các nước châu Âu… Từ mô hình của mình anh Việt cũng đã giúp đỡ vốn và kỹ thuật cho 71 hộ dân trong xã Mai Phụ phát triển nghề nuôi ngao Bến Tre. Nhiều người dân Mai Phụ cũng từ đó mà giàu lên, điển hình như hộ anh Hùng, anh Thiết, anh Thành... Anh Việt còn được bà con khâm phục và đánh giá cao bởi anh là người sống có tình có nghĩa, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vốn liếng, kỹ thuật giúp các hộ mới vào nghề; luôn tiên phong đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân: Chúng tôi rất khâm phục trước thành công mô hình nuôi ngao của thương binh Nguyễn Văn Việt, bởi anh Việt không phải là nhà kỹ thuật hay một người có trình độ trung cấp, đại học mà chỉ là một con người xuất thân từ hai bàn tay trắng, từ con số 0 nhưng với nghị lực của mình, anh đã vượt qua mọi thất bại để đến thành công rực rỡ như ngày hôm nay. Từ mô hình của gia đình anh Việt, đến nay Mai Phụ đã nhân rộng được gần 100 hộ nuôi ngao. Nhiều gia đình nông dân nghèo nay nhờ nuôi ngao mà đã nhà trở trở nên khá giả, giàu có. Ngành thủy sản Hà Tĩnh rất tự hào khi có được những nhân tố điển hình, tiêu biểu như anh Việt. Anh Việt vinh dự được Sở NN&PTNT chọn đi dự đại hội thi đua yêu nước của ngành nông nghiệp- phát triển nông thôn toàn quốc, tổ chức ở Hà Nội sắp tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast