Xăng dầu tăng giá, đời sống ngư dân “xuống giá”

Đang vào mùa đánh bắt cá nhưng hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân xã Xuân Hôi, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn “đắp chăn” trong âu trú bão. Đời sống của bà con ngư dân vốn dĩ khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi xăng dầu tiếp tục tăng giá. Mỗi lần ra khơi là mỗi lần phải bù lỗ, cuộc sống của ngư dân đang “mắc kẹt” trong cơn bão giá.

Từ nỗi nhớ biển của ngư dân...

Chúng tôi có mặt ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) vào một ngày trung tuần tháng ba, thời điểm đang vào vụ đánh bắt của bà con ngư dân. Tuy nhiên, chính vào thời điểm được coi là “ăn nên, làm ra” thì cuộc sống của bà con ngư dân nơi đây vẫn tĩnh lặng, an nhàn. Khắp ngõ xóm, từng nhóm người tụ tập, quanh quẩn bên ấm nước chè và khói thuốc lào nghi ngút.

Xăng dầu tăng giá thuyền bè gác mái
Xăng dầu tăng giá thuyền bè gác mái

Ông Lê Hồng Giang (58 tuổi) ở thôn Hội Thủy, chủ nhân đội tàu xa bờ 300 CV ngậm ngùi nhớ lại: Trước đây, khi giá xăng dầu còn "mềm", mỗi năm, tàu của ông đánh bắt được 700 - 900 tấn hải sản. Có những chuyến biển, trong vòng 24 giờ đồng hồ, đánh bắt được 15 - 20 tấn cá, sau trừ chi phí, lãi ròng 30 - 35 triệu đồng. Không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kể từ khi xăng dầu có những biến động, sản lượng đánh bắt của ông giảm xuống một cách đáng kể, do đó bà con hạn chế ra khơi.

Theo tính toán của anh Giang, bình quân các tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất từ 300 CV, sau một chuyến đi biển 4 ngày “ngốn” từ 32.000 lít dầu, với giá dầu hiện nay 1 cặp tàu của ông tiêu thụ hơn 60.000 lít/ chuyến ra khơi. Như vậy, với giá dầu tăng thêm 3.550 đồng/lít, chi phí tiền dầu “đội” thêm từ 3 - 5 triệu đồng/tàu/chuyến, trong khi sản lượng đánh bắt ngày càng sụt giảm . Vì vậy, nếu ra khơi mà chủ các tàu cá không tính toán kỹ thì dễ bị lỗ, bởi chi phí cho chuyến biển cao, trong khi nghề đánh bắt phụ thuộc vào luồng cá nên chẳng khác gì đánh cược với biển cả.

Theo thống kê của ông Võ Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, toàn xã hiện có 139 chiếc tàu thuyền các loại, công suất từ 24 - 300CV, với hơn 500 lao động thường xuyên bám biển. Tuy nhiên, theo ông Tùng thì ra Tết lại nay, bà con ngư dân đang do dự cho mỗi chuyến ra khơi, nguyên nhân là do tác động của thị trường, trong khi xăng dầu tiếp tục tăng cao nhưng sản phẩm đánh bắt tăng không đáng kể, do vậy, người dân đang định hình chờ đợi sự gia tăng đồng đều để cân đối thu - chi khi đó mới yên tâm ra khơi.

Ngư dân Xuân Liên miễn cưỡng đẩy thuyền lên bờ
Ngư dân Xuân Liên miễn cưỡng đẩy thuyền lên bờ

Tại làng chài Xuân Liên (Nghi Xuân), giá xăng dầu leo thang ảnh hưởng sâu sắc hơn đến đời sống của những ngư dân nghèo tại đây. Cuộc sống người dân Xuân Liên từ bao đời nay đều gắn chặt với nghề đi biển. Chỉ cần tạm dừng ra khơi trong vài ngày là người dân nơi đây không biết lấy gì trang trải cuộc sống.

Thế nhưng, từ trong Tết lại nay, hơn 300 chiếc thuyền của người dân đành miễn cưỡng nằm bờ. Đã hơn 3 tháng nay, những ngư dân quen "ăn sóng nói gió" như ngồi trên đống lửa, hết gió mùa đông bắc, đến không khí lạnh tăng cường. Điệp khúc “thuyền gác mái” diễn ra trong một thời gian dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân làng chài. Mọi hy vọng đều dồn hết vào thời điểm ra Tết Tuy thế, những mong ngóng của bà con giờ đây cũng trở nên yếu ớt, “Tưởng rằng hết không khí lạnh thì chúng tôi sẽ xả láng ra khơi, ai ngờ giá xăng dầu lại tăng”, lão ngư Mai Đảm than thở.

Xuân Liên là một trong những xã nghèo của Nghi Xuân. Toàn xã có hơn 7.000 nhân khâu trong đó gần ½ khẩu phụ thuộc vào nghề biển. Vì nằm ở vùng bãi ngang, ngư cụ đánh bắt lại thô sơ, chỉ khai thác được ở vùng biển lộng nên đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Với giá xăng dầu như hiện nay, khả năng ra khơi của các ngư dân bãi ngang ở nơi đây là rất khó. Do đó đời sống của ngư dân đã khó nay càng khó hơn.

Hắt hiu bến cá Xuân Hội ( Nghi Xuân)
Hắt hiu bến cá Xuân Hội ( Nghi Xuân)

Không khí yên tĩnh cũng đang diễn ra dọc các bến cá từ Cửa Hội đến Thạch Kim, Cẩm Nhượng. Theo số liệu thống kê của Cảng cá Thạch Kim, 2 tháng đầu năm số tàu ra, vào cảng giảm 30% so với cùng kỳ.

Theo anh Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, do xăng, dầu tăng giá nên ngư dân gặp khó khăn, tạm dừng ra khơi khai thác dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản thiếu nguyên liệu. Xăng dầu tăng giá không những ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân địa phương, mà nhiều tàu đánh bắt có công suất lớn đến từ Thanh Hoá, Nghệ An cũng đắp chăn trong cảng từ Tết đến nay.

Đến nguy cơ mất dần lao động nghề cá

Với 137km chiều dài bờ biển và có 4 cử lạch lớn (Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Vũng Áng), Hà Tĩnh là địa phương có nguồn tài nguyên thủy sản phong phú cùng với nhiều lợi thế để phát triển nghề cá. Theo thống kê của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hà Tĩnh, tính đến cuối tháng 12/2010 toàn tỉnh có 3.768 tàu cá lắp máy, trong đó loại có công suất dưới 20 CV có 3.009 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, giá trị sản lượng khoảng 500 tỷ đồng.

Hà Tĩnh có 5 huyện giáp biển, cộng đồng cư dân ven biển là những cộng đồng ổn định, được tổ chức tốt, cư dân các địa phương phần lớn sinh sống từ nhiều năm nay hoặc trải qua nhiều thế hệ nên có kinh nghiệm trong việc khai thác, đánh bắt. Tuy nhiên, trước những biến động bất thường của thời tiết, giá cả thì câu chuyện bám biển của ngư dần đang gặp khó khăn từ nhiều phía.

Trở lại câu chuyện của ngư dân Xuân Hội (Nghi Xuân), một trong những điểm sáng của ngành khai thác thuỷ sản Hà Tĩnh. Xa xưa, người làng Hội Thống luôn tự hào là lá cờ đầu của ngành thuỷ sản miền Bắc, song, những năm gần đây, cùng với những đổi thay của cơ chế thị trường và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên biển khiến nghề cá nơi đây ngày một suy giảm.

Theo ông Võ Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, nghề khai thác thủy sản là nghề khó khăn, phức tạp, trực tiếp chịu nhiều tác động của thiên tai, rủi ro lớn về tính mạng và tài sản, vốn đầu tư lớn, song chưa được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, cơ chế chính sách nhà nước chưa kịp thời. Nguồn lợi hải sản suy giảm mạnh dẫn đến năng suất và sản lượng trên một loại nghề cũng như trên một tàu thuyền giảm nhanh, chất lượng sản phảm khai thác yếu khiến hiệu quả khai thác thấp.

Thêm vào đó hoạt động đánh bắt của ngư dân chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thay đổi của thị trường, nhất là sự leo thang của giá xăng, dầu . “Do đó, người làng Hội Thống giờ không còn mặn mà với nghề biển, trong vòng 5 năm, toàn xã có 30% lao động ngư nghiệp chuyển sang nghề khác”, ông Tùng cho biết thêm.

Ngư dân Thạch Kim "tranh thủ " cơn bão giá sửa chữa ngư cụ
Ngư dân Thạch Kim "tranh thủ " cơn bão giá sửa chữa ngư cụ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại hầu hết các xã bãi ngang của Hà Tĩnh, số lao động nghề cá bỏ nghề vài năm trở lại nay chiếm từ 20-30% đi làm thuê ở miền Nam. Điều đáng nói là đa số những lao động này đều không có trình độ, tay nghề nên khi ly hương họ chỉ đảm nhận được những công việc mang tinh chất tạm thời nhu phụ hồ, khuân vác.. nên cuộc sống không khá hơn được.

Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Lưu Văn Thành chía sẻ, khai thác thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng khai thác không đạt kế hoạch đề ra do biến động thất thường của thời tiết, giá cả. Nhiều chuyến ra khơi ngư dân phải bù lỗ, khiến lao động dần bỏ nghề, nhiều phương tiện không đủ khả năng ra khơi, ảnh hưởng đến cả hệ thống hậu cần nghề cá.

Ông Thành cho rằng, nghề đi biển đòi hỏi ngư phủ phải có nghề, quen với công việc, còn đào tạo mới là rất khó. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với nghề cá, góp phần giảm bớt khó khăn để tiếp tục ổn định và sống được với nghề.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast