Các địa phương cần chủ động phương án chống rét cho mạ

Sáng 27/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tiến độ đông xuân và chống rét cho mạ tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Lộc Hà. Cùng đi có lãnh đạo sở NN&PTNT, Chi cục BVTV tỉnh.

PCT UBND tỉnh xem xét những cây mạ bị hỏng do rét

Tính đến ngày 26/12, toàn tỉnh đã bắc 458 ha mạ trà xuân sớm, quy đổi thành diện tích cấy là 4580 ha; trà lúa gieo thẳng là 5470 ha; 1046 ha mạ trà xuân trung, quy đổi diện tích cấy là 10660 ha và 7030 ha lúa xuân trung gieo thẳng, tập trung tại các huyện: Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài nên diện tích bắc mạ và lúa gieo thẳng sinh trưởng kém, một số diện tích đã bị chết. Qua kiểm tra, số diện tích lúa bị chết rét ở Thạch Hà là 107 ha; Lộc Hà 65 ha mạ và 87 ha lúa gieo thẳng. Tại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, các trà mạ và lúa gieo thẳng cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đợt rét để lại, nguy cơ bị chết và hư hỏng là rất cao.

Thời tiết những ngày tiếp theo dự kiến sẽ còn rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các trà lúa. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các huyện chỉ đạo bà con tiếp tục chăm sóc trà mạ và lúa gieo thẳng xuân sớm, xuân trung; cử cán bộ bám sát đồng ruộng, theo dõi sự chuyển biến của thời tiết để có phương án chủ động chống rét cho lúa. Chủ động nguồn giống bổ sung, tránh xảy ra thiếu mạ cấy, đồng thời chuẩn bị giống lúa ngắn ngày và bắc thêm diện tích mạ dự phòng. Đối với những diện tích bị hư hỏng nặng, cần hướng dẫn bà con nông dân gieo cấy lại đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, chỉ đạo bà con che phủ nilong cho mạ trà xuân muộn, bón thêm tro bếp, lân, kali nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong thời tiết rét đậm. Bên cạnh đó, có phương án phòng chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói