Các nước châu Á đề nghị được chia sẻ lượng vaccine mà Mỹ hỗ trợ

Các nước châu Á như Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Mỹ sẽ hỗ trợ các nước vào cuối tháng 6 này.

Các nước châu Á đề nghị được chia sẻ lượng vaccine mà Mỹ hỗ trợ

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Chính quyền Mỹ cho biết sẽ sớm hỗ trợ các nước khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và 20 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson do Mỹ sản xuất. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đối mặt với sức ép phải chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh với nhiều chủng mới ở Ấn Độ và Brazil. Tuy nhiên, lượng vaccine mà Mỹ sắp gửi cho các nước mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nếu so với tổng số khoảng 8 tỷ người trên thế giới cần được tiêm vaccine.

Mỹ tuyên bố sẽ gửi số vaccine nói trên cho các nước thông qua cả phương thức trực tiếp và chương trình COVAX, sáng kiến toàn cầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số loại vaccine cần phải bảo quản trong môi trường lạnh mà một số nước nghèo hiện chưa có điều kiện chuẩn bị.

Tính đến thời điểm này, Mỹ đã tiêm chủng xong cho khoảng hơn 50% người trưởng thành sống tại Mỹ và dự kiến sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích những người còn chưa muốn tiêm sớm thay đổi quyết định. Trong khi đó, 50 quốc gia nghèo nhất thế giới mới chỉ tiếp cận được khoảng 2% số vaccine hiện có trên toàn cầu, theo số liệu của Hiệp hội các Tổ chức Chữ thập Đỏ và Lưỡi liềm Đỏ.

Ngày 7/5/2021, Ngoại trưởng Bangladesh A.K. Abdul Momen đã gửi thư tới người đồng cấp phía Mỹ là Antony Blinken đề nghị được hỗ trợ ngay khoảng 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và khoảng 10 đến 20 triệu liều nữa sau đó. Bangladesh đang cần tiêm chủng liều thứ hai cho khoảng 1,6 triệu người và sẵn sàng mua nếu không xin được trợ giúp. Bangladesh, với dân số 165 triệu người, hiện đã nhận được 7 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tổng số 30 triệu liều mà quốc gia này đã nhất trí mua của Viện Huyết thanh Ấn Độ (Serum Institute of India), chưa kể 3,2 triệu liều Ấn Độ đã cam kết sẽ hỗ trợ. Bangladesh cũng nhất trí mua vaccine của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik V của Nga, theo thông tin từ Trung tâm Đổi mới Sức khỏe Toàn cầu thuộc ĐH Duke tại bang North Carolina, Mỹ.

Với Việt Nam, trong thư gửi tới Tổng thống Biden ngày 31/5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị được nhận một số lượng vaccine do Mỹ dự định hỗ trợ các nước, cũng như đề xuất hợp tác với Mỹ trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine.

Sri Lanka đề nghị Mỹ hỗ trợ 600.000 liều để quốc gia này có thể tiến hành tiêm chủng mũi 2 trong bối cảnh Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu vaccine để dẹp dịch trong nước. Hiện quốc gia 21 triệu dân này mới tiêm chủng xong cho 7% người dân, theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Our Word in Data. Sri Lanka cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ số vaccine J&J hiện Mỹ đang thừa không sử dụng và nhận được thông tin từ phía Mỹ sẽ sớm cân nhắc.

Afghanistan cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ vaccine trực tiếp hoặc thông qua chương trình COVAX. Hiện chương trình COVAX dự định phân bổ cho Afghanistan khoảng hơn 2,5 triệu liều vaccine, trong đó có 400.000 liều của Sinopharm của Trung Quốc và 500.000 liều của Ấn Độ.

Hồi tháng Hai, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố tài trợ khoảng 2 tỷ USD cho chương trình COVAX và sẽ chi tiếp 2 tỷ USD nữa cho chương trình này nếu như các nước khác cũng đảm bảo cam kết mà họ đã đưa ra.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.