Học online, ứng dụng các phần mềm
Đã thành nền nếp, đúng 7h30 phút mỗi sáng (từ thứ 2 đến thứ 7), Nguyễn Thị Thùy Dung - học sinh lớp 12 A4, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) lại ngồi bên bàn với chiếc máy tính để bắt đầu buổi học trực tuyến của lớp.
Đúng 7h30 phút mỗi sáng, Thùy Dung lại làm bạn với chiếc máy tính để bắt đầu chương trình học trực tuyến
Từ việc nhận đề, làm đề theo thời gian quy định và sau đó được các giáo viên bộ môn trực tiếp chữa đề, buổi học sẽ kết thúc vào khoảng 11 giờ trưa. Cứ như thế, nền nếp học tập của Dung dường như vẫn không hề bị gián đoạn trong thời gian nghỉ dịch.
Dung cho biết: “Mỗi buổi chúng em được học 1 môn. Ngoài ôn tập kiến thức, cách học này cũng giúp chúng em ôn luyện kỹ năng làm một bài để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”.
Nhiều trường học tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tuyến bằng ứng dụng Zoom Meeting
Được biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục Hà Tĩnh về việc tăng cường công tác dạy học qua Internet, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn đã trở thành một trong những đơn vị đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng hình thức này. Quá trình triển khai, tự mày mò của giáo viên, khảo sát tình hình thực tế của học sinh…, đến nay, việc dạy học trực tuyến ở Trường THPT Nguyễn Đình Liễn đã phủ sóng ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12 với tổng số 100% học sinh tham gia.
Trường học tạm thời đóng cửa, nhưng phong trào dạy học qua Internet vẫn tiếp tục lan tỏa trong các nhà trường ở khắp các vùng miền, các cấp học.
Song hành dạy học trực tuyến, trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và học sinh, các trường học ở Hà Tĩnh còn triển khai cho học sinh học tập trên các ứng dụng, phần mềm hiệu quả như Viettelstudy, VNPT E-learning, Kho bài giảng E-learning, các trang livestream công khai miễn phí như Fanpage THCS và THPT Ngọc Viễn Đông...
Không chỉ giúp ôn luyện kiến thức, tạo nền nếp học tập và quản lý học sinh, phong trào dạy học qua Internet cũng là một cơ hội để giáo viên Hà Tĩnh trau dồi kỹ năng, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Phát đề, kiểm tra trực tiếp tại nhà
Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp ôn tập qua các ứng dụng công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả thực sự trong ôn tập cho học sinh đã khó, nhưng để 100% học sinh ở tất cả các vùng, miền đều duy trì được ý thức học tập, không quên kiến thức trong kỳ nghỉ dài lại càng khó hơn. Bởi một thực tế, phần lớn học sinh ở Hà Tĩnh sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều gia đình chưa có điều kiện hỗ trợ các em trong việc học tập qua Internet.
Phụ huynh Trường Tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc) đến trường nhận bài tập mới cho con và nộp bài đã làm cho giáo viên
Thế nên, trong những ngày qua, câu chuyện về sự cần mẫn, tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo trong việc ra đề, in và phát đến tay từng học sinh đã thực sự để lại ấn tượng đẹp. Hình ảnh đó cũng là động lực để nhiều học sinh cố gắng trau dồi hơn ý thức học tập của chính mình.
Tại Trường Tiểu học Nam Hương (Thạch Hà) nơi có gần 190 học sinh, 6 giáo viên văn hóa với 7 lớp học, phong trào ôn tập kiến thức vẫn diễn ra sôi nổi kể từ ngày đầu nghỉ tránh dịch. Cô Nguyễn Thị Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Hương cho biết: “Trường ở vùng sâu, vùng xa nên phần lớn học sinh không có điều kiện ôn tập kiến thức qua mạng Internet, thế nên chúng tôi duy trì ôn tập cho các em qua 2 hình thức. Phần lý thuyết được các cô gửi cho phụ huynh qua Zalo, facebook, tin nhắn sms hoặc gọi điện trực tiếp cho phụ huynh để kiểm tra các cháu. Phần bài tập, các cô đã soạn đề cương ôn tập theo nhóm đối tượng rồi gửi đến tận học sinh”.
Những ngày nghỉ này, ngoài việc họp thảo luận chuyên môn, ra đề cương ôn tập hàng tuần cho các em, giáo viên Trường Tiểu học Nam Hương vẫn đến trường đều đặn, mở cửa thư viện cho các phụ huynh mượn sách và cũng qua đó, hẹn phụ huynh các lớp đến nhận đề cho con và nộp bài làm đã được phát từ trước cho các cô kiểm tra kết quả. Mỗi đề phát ra đều được ghi tên học sinh đầy đủ. Những phụ huynh không có điều kiện đến trường, giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà để gặp gỡ, động viên và kiểm tra việc ôn luyện cho các cháu.
Nhiều giáo viên tranh thủ thời gian đến các gia đình kiểm tra việc học của học sinh (Trong ảnh: Giáo viên trường THCS Kỳ Ninh- thị xã Kỳ Anh kiểm tra việc học của học sinh tại một gia đình)
Tại Trường Tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc), việc in, phát đề cương ôn tập cho học sinh cũng được trường triển khai thường xuyên mỗi tuần. Cô Phạm Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lộc cho biết: “Toàn trường có 630 học sinh nhưng qua khảo sát chỉ có gần 100 học sinh có điều kiện có thể học trực tuyến. Để tạo phong trào ôn tập giúp học sinh nắm vững kiến thức, chúng tôi đã tổ chức in, phát đề đến tận các em và kiểm tra bài tập sau mỗi tuần”.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh vẫn chưa thể đến trường nhưng bằng nhiều hình thức, việc học tập ở các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh luôn được duy trì.