Cận cảnh loại nấm có khả năng chữa trị ung thư, ức chế sự nhân lên của HIV ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nấm vân chi trên địa bàn Hà Tĩnh có khả năng chữa trị ung thư, tăng miễn dịch cơ thể, chống các phản ứng phụ của xạ trị và hoá trị, ức chế sự nhân lên của HIV…

Tháng 9/2020, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở KH&CN Hà Tĩnh) triển khai đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hoàng chi, nấm vân chi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

Theo thuyết minh đề tài, nấm vân chi có tên khoa học là Trametes versicolor (Linnaeus. Fries) Pilat, là loài nấm có phân bố rộng tại những vùng khí hậu mát. Quả thể nấm là chất da, không cuống, phủ lông, biến đổi về màu sắc. Quả thể khi non dạng u lồi tròn, sau phân hóa thành dạng bán cầu đến dạng thận, dạng hạt thót lại gần gốc. Nấm mọc thành từng đám, dạng ngói lợp, mặt mũ có những vòng tròn đồng tâm với màu sắc khác nhau từ trắng đến vàng nhạt, nâu nhạt, nâu, xanh đến xanh đen, phủ lông tạo thành từng vòng xen kẽ với vùng vỏ mũ nhẵn.

Dược tính của nấm vân chi đã được nghiên cứu là nhờ hai hợp chất chính trích từ nấm này là PSP (polysaccharide peptide) và PSK (polysaccharide Kureha). Các chất này có khả năng chữa trị ung thư, tăng miễn dịch cơ thể, chống các phản ứng phụ của xạ trị và hoá trị, ức chế sự nhân lên của HIV… Nếu như nấm linh chi có khả năng chống khối u là 63% thì nấm vân chi có khả năng chống khối u tới 77%.

Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổ chức thí nghiệm nhân giống cấp 1, cấp 2 nấm hoàng chi và nấm vân chi trên các môi trường khác nhau và tìm ra được công thức môi trường nhân giống tối ưu nhất với điều kiện nuôi trồng tại Hà Tĩnh.

Đồng thời, tiến hành nhân giống cấp 1, cấp 2 số lượng lớn để triển khai xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm nấm hoàng chi và nấm vân chi. Số lượng nấm vân chi được nuôi trồng thử nghiệm là 4.417 bịch phôi.

Qua theo dõi bịch phôi cho thấy, nấm vân chi ăn kín bịch nấm trong thời gian trung bình 47 ngày.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, thời gian phát triển của quả thể nấm...

... Tiến hành theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng của hệ sợi nấm trong quá trình ươm sợi và quá trình ra quả thể của nấm. Từ đó, hoàn thành quy trình kỹ thuật nuôi trồng hai chủng giống nấm hoàng chi và nấm vân chi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng thời, triển khai thu hái, sơ chế, bảo quản nấm, triển khai mô hình chế biến trà túi lọc nấm vân chi.

Cũng nằm trong nội dung đề tài, nhóm nghiên cứu triển khai nhân giống và trồng thử nghiệm giống nấm hoàng chi.

Nấm hoàng chi hay còn gọi là linh chi vàng - một trong 6 loại nấm linh chi. Nấm hoàng chi có tên khoa học là Ganoderma Colossum (Vietnamese mushroom Ganoderma Colossum) thuộc họ Ganodermataceae, bộ Polyporales.

Phần thịt của thể quả nấm hoàng chi có màu vàng gỗ, mềm xốp nhưng hóa gỗ theo thời gian, quả thể của nấm gồm có hai phần, mũ nấm và cuống nấm. Trên mũ nấm có hai vách, bào tử hình thành phía bên trong giữa hai vách. Mũ nấm ban đầu có hình chùy; khi trưởng thành có hình bán nguyệt, hình quạt hoặc hình thận, kích thước thay đổi nhiều. Mặt trên mũ nấm sáng bóng, màu vàng nâu, có vân đồng tâm, lượn sóng và vân tán xạ.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, nấm hoàng chi được sử dụng để tăng cường trí nhớ và chức năng hô hấp; chống lão hóa, giải tỏa stress, làm tăng tuổi thọ; an thần; giảm đau; chống xơ hóa, tiêu diệt các gốc tự do, chống oxy hóa, bảo vệ gan, chống khối u, chữa bệnh bạch cầu, ngăn chặn sự phát triển của ung thư hay tác hại của chất phóng xạ, hạ đường huyết; hỗ trợ chữa trị tiểu đường type II.

Trong đợt 1, Trung tâm sản xuất thử nghiệm với số lượng 4.432 bịch phôi nấm hoàng chi, thời gian ăn kín bịch phôi nấm của nấm hoàng chi trung bình là 34.5 ngày. Giá bán trung bình trên thị trường của nấm vân chi và hoàng chi khoảng 1,2 triệu đồng/1kg.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói