Nghề ép mật mía ở xã Thọ Điền có từ bao đời nay, trải qua thời gian, toàn xã hiện còn khoảng 100 hộ lưu giữ nghề truyền thống này. Thời điểm này, trên những vùng trồng mía, đi đâu cũng thấy người dân nhanh tay thu hoạch nguyên liệu để kịp cho ra đời những mẻ mật thơm ngon.
Năm nay, thay vì cách làm nghề truyền thống dùng trâu, bò kéo mật như những năm trước, người dân “vựa mật” Thọ Điền đã ứng dụng máy móc hiện đại để ép mía nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất.
Với mong muốn phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương, tháng 7/2020, anh Lương Sỹ Đức (SN 1993) và chị Đoàn Thị Nhàn (SN 1993) ở thôn 1, xã Thọ Điền thành lập HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ với 12 thành viên tham gia.
Để đưa HTX đi vào hoạt động, các thành viên đã xây dựng nhà xưởng 150 m2 với đầy đủ các khu vực bếp nấu, khu vực sơ chế, tập kết nguyên liệu, khu vực bán hàng và khu vực đóng gói. Đặc biệt, HTX đầu tư mua máy ép mía công suất lớn với trị giá 150 triệu đồng để ép mía. Công suất ép mỗi ngày đạt 3 - 4 tấn mía nguyên liệu, tương đương với hơn 300 lít mật mía thành phẩm. Toàn xã Thọ Điền hiện có 2 chiếc máy ép công suất lớn.
Hơn 40 năm làm nghề ép mật, ông Lương Sỹ Công - thành viên của HTX cho biết, những năm trước chưa có máy móc, gia đình ông phải dùng trâu để ép. Tuy nhiên, từ khi thành lập HTX, công đoạn ép mật đã đơn giản và năng suất hơn rất nhiều. Không chỉ phục vụ cho HTX, máy ép mía còn phục vụ nhiều hộ dân làm nghề.
Ông Công chia sẻ: "Việc dùng trâu, bò và sức người cả ngày cũng chỉ ép được 1 tạ mía cây, hiện nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao hơn hẳn, một ngày có máy có thể ép được từ 3 - 4 tấn mía cây".
Mật sau khi được ép xong sẽ cho vào một chiếc chảo lớn để nấu. Nấu mật mía trải qua rất nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu từ ngoài ruộng, làm sạch mía, ép nước mía, nấu và chắt lọc mật. Trong tất cả các công đoạn thì quan trọng nhất là công đoạn keo mật (nấu mật).
Anh Lương Sỹ Đức chia sẻ: “Quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Muốn mật ngon phải đứng “canh” các chảo mật lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng. Nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon, khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật”.
Sau khi nấu xong, mật sẽ được cho vào một chiếc nồi lớn để lắng cặn, rồi nấu cho đến khi mật sánh lại và chuyển màu vàng sẫm.
Khi thành mật thương phẩm sẽ có một lớp bọt đường ở phía trên.
Mật sau khi được nấu xong sẽ được để nguội trong vòng 3 giờ. Khi mật lắng và sánh lại thì lúc đó mới đóng chai.
Những dòng mật óng vàng được cẩn thận cho vào chai.
Chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: "Dù mới chỉ đầu vụ tết, nhưng những ngày này, HTX của chúng tôi đã làm việc hết công suất, khu vực bếp nấu gần như đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày chúng tôi ép 3 - 4 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 300 lít mật thương phẩm. Sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó, thậm chí có những lúc "cháy hàng". Tuy nhiên, với công suất của máy như hiện nay và nhu cầu khách hàng thì nguồn nguyên liệu mía trên địa bàn vẫn chưa cung ứng đủ. Vì vậy HTX mong muốn bà con trồng mía quanh năm thay vì trồng 1 năm 1 vụ như trước và HTX cam kết sẽ thu mua mía cho bà con".
Cũng theo chị Nhàn, cùng với việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm mật mía của HTX bán rất được giá với 60 nghìn đồng/lít. Bên cạnh đó, những chai mật được đóng cẩn thận, có dán tem của HTX sẽ giúp sản phẩm mật mía Thọ Điền được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng.
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, không khí lao động, sản xuất tại HTX cũng tất bật, nhộn nhịp hơn. Với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân làng nghề mật mía Thọ Điền đang từng bước tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, vừa tăng thêm nguồn thu nhập.
Để sản phẩm mật mía có chỗ đứng trên thị trường và không bị mai một dần, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX. Từ đó nhằm mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng mật mía Thọ Điền thành sản phẩm OCOP, từng bước đưa sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền