25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

(Baohatinh.vn) - Nghề làm mật mía Thạch Kênh - Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang được khôi phục sau 25 năm tắt ngọn lửa lò. Sản phẩm chất lượng thơm ngon nức tiếng một thời đang sống lại với niềm vui của người dân.

Video: Quy trình sản xuất mật mía Thạch Kênh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Chúng tôi có mặt tại lò mật mía của anh Nguyễn Duy Hải (SN 1972) ở thôn Thượng Nguyên, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà khi người thợ nấu mật đang tỉ mẩn bên những chảo mật sôi sục.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Lò mật mía ở Thạch Kênh đỏ lửa trở lại sau 25 năm bị bỏ quên

Theo anh Hải, nghề làm mật mía truyền thống ở xã Thạch Kênh không biết có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên, anh đã thấy nhiều thế hệ người dân nơi đây gắn bó với nghề. Nhà nào cũng làm mật mía.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Theo kinh nghiệm của người dân Thạch Kênh, 1 tấn mía sẽ cho ra hơn 100 lít mật đạt chất lượng

Thời nghề làm mật mía đang thịnh hành, sản phẩm mật của Thạch Kênh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề truyền thống ở Thạch Kênh này dần bị mai một.

Nguyên nhân chính là do nghề kéo mật chủ yếu làm thủ công, vất vả nhưng thu nhập thấp; đầu ra cho sản phẩm khó khăn. Bên cạnh đó, giống mía trước đây trồng 1 năm mới cho thu hoạch nên năng suất không cao.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Ngày xưa, người dân phải dùng phương pháp thủ công để ép nước mía, nhưng nay có sự hỗ trợ của máy móc nên công việc đỡ cực nhọc hơn.

Sau nhiều thập kỷ cây mía vắng bóng trên những cánh đồng Thạch Kênh, năm 2015, gia đình anh Hải bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía. 5 năm trồng giống mía Quế đường 93 cho năng suất cao, anh Hải bắt đầu nghĩ đến việc khôi phục nghề làm mật mía truyền thống của quê hương.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Để mật mía ngon, quan trọng nhất là giữ lửa lò luôn ổn định, không quá to, cũng không quá nhỏ

Đầu tháng 8/2020, để khôi phục lại nghề làm mật mía truyền thống, gia đình anh Hải đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy ép mía, xây lò nấu, kéo đường dây điện và xây nhà xưởng. Hiện mỗi ngày, gia đình anh ép 1 tấn mía, sau khi nấu từ 6 - 8 giờ thì cho ra hơn 100 lít mật.

“Với giá 60 nghìn đồng/lít, sau khi trừ chi phí, với 100 lít mật mía, tôi thu gần 4 triệu đồng”, anh Hải cho hay.

Theo anh Hải, chất lượng sản phẩm mật mía ở đây có sự vượt trội so với nhiều nơi khác là nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng nên mía Thạch Kênh cây chắc và ngọt lịm, độ đường rất cao.

Chính nguồn nguyên liệu đảm bảo này đã tạo ra một hương vị rất riêng cho mật mía Thạch Kênh mà khó nơi nào có được.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Trong khi nấu mật, người nấu phải dùng những chiếc vợt có lưới bằng vải màn luôn tay vớt bỏ phần bọt đen và tạp chất để giữ cho sản phẩm có màu đẹp.

Có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, hiện đang làm thợ nấu mật mía cho anh Hải, ông Trần Hiếu Hạnh (60 tuổi, ở thôn Thượng Nguyên) chia sẻ: “Chất lượng mật mía phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Mía càng ngọt bao nhiêu thì mật càng ngọt bấy nhiêu, bởi ở đây họ không bỏ thêm bất cứ phụ gia hay chất bảo quản nào”.

Người làm nghề nơi đây cũng có bí quyết nấu mật truyền từ nhiều đời. “Theo kinh nghiệm các cụ truyền lại, trong khi nấu, quan trọng nhất là lúc vớt bọt, tuyệt đối không để bọt bị trào ra lẫn vào mật như vậy mật sẽ bị bẩn, chất lượng sẽ không đạt, bị đen.

Khi mật đã kết, đặc thì đảo đều tay cho đến khi mật chuyển sang màu đỏ au. Công đoạn này là vất vả và công phu nhất, các lò nấu mật hơn nhau chính là ở công đoạn này”, anh Hải cho hay.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Mật mía Thạch Kênh sánh mịn, đặc, thơm ngon, được người dân ưa chuộng.

Để tạo ra sản lượng lớn mật mía chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian tới, anh Hải tiếp tục đầu tư thiết bị, kho chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Mùa mật mía năm nay, gia đình anh Hải sản xuất khoảng 5.000 lít mật mía. Anh phấn đấu hằng năm, sản lượng tăng từ ít nhất 20% so với năm trước, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết bao tiêu sản phẩm vào các siêu thị, đại lý bán lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Thực hiện chương trình OCOP, anh Hải đang xây dựng thương hiệu sản phẩm mật mía Thạch Kênh, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh cho biết: "Sau 25 năm nghề bị mai một, các lò mật mía không còn hoạt động, đến nay, từ mô hình điểm của gia đình anh Hải, xã đang từng bước khôi phục làng nghề truyền thống.

Theo ước tính, đến năm 2022, lò mật của gia đình anh Hải sẽ sản xuất 36.000 lít. Từ đây, về lâu dài, xã sẽ thu hút nhiều người dân tham gia, xây dựng “Tổ hợp tác mật mía Thạch Kênh".

25 năm “ngủ quên”, lò mật mía có tiếng ở Hà Tĩnh đỏ lửa trở lại

Hiện xã Thạch Kênh có 3,5 ha diện tích trồng mía.

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nghề làm mật mía, xã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém năng suất sang trồng mía. Hiện toàn xã có hơn 3,5 ha mía, dự kiến diện tích trồng mía sẽ tăng lên 60 ha vào năm 2023 và trồng theo hướng VietGAP để phục vụ sản xuất mật.

Cùng đó, xã đang hoàn thiện sản phẩm mật mía phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh để từng bước đưa mật mía Thạch Kênh trở lại thời “hoàng kim”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.