Cần lắp đặt thêm máy rút tiền tự động ở khu vực miền núi, vùng xa

(Baohatinh.vn) - Với đặc thù địa hình rộng nhưng số lượng máy ATM ít nên nhiều người già, người tàn tật ở Hương Khê (Hà Tĩnh) gặp khó khăn trong giao dịch, chi tiêu hàng ngày.

2 tháng nay, ông Đặng Phúc Long (76 tuổi, trú tại thôn 12, xã Hà Linh, Hương Khê) nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng.

Mặc dù có nhiều thuận tiện như: không cần kiểm đếm, tránh được rủi ro mất cắp, rơi rớt… nhưng ngược lại, do cao tuổi, ông chưa thành thạo thực hiện các thao tác giao dịch trên ngân hàng trực tuyến qua điện thoại thông minh nên gặp không ít khó khăn.

3.jpg
Mặc dù được cán bộ thôn hỗ trợ nhiệt tình nhưng do tuổi cao, ông Đặng Phúc Long (xã hà Linh) vẫn chưa thuần thục được các giao dịch thanh toán ngân hàng trên thiết bị điện thoại thông minh.

Ông Long phản ánh: “Mặc dù đã chủ động mua sắm điện thoại thông minh, được hỗ trợ cài đặt ứng dụng của ngân hàng nhưng vì chưa quen nên tôi vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện chuyển khoản, thanh toán. Cùng đó, do đặc thù của vùng nông thôn nên các hoạt động liên quan đến chi tiêu vẫn sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến. Có điều, muốn rút được tiền mặt, hiện nay chúng tôi phải đi đến xã Phúc Đồng, cách khoảng 17 - 20km mới có điểm giao dịch ngân hàng và máy rút tiền tự động (máy ATM). Một số người tuổi cao, không thể tự đi quãng đường xa thì phải nhờ vả người thân nên rất bất tiện. Chưa kể khi đến đợt chi trả lương, do nhu cầu tăng cao nên ngân hàng, máy ATM bị quả tải, có người phải đi 2 lần mới rút được tiền”.

Không chỉ ở xã Hà Linh, do đặc thù địa bàn rộng, nhiều đồi núi nên việc rút, gửi tiền mặt của người dân chưa được thuận tiện. Nhiều xã như Hương Trạch, Hương Lâm, Hương Liên cách xa máy ATM 20 - 30km...

2.jpg
Số lượng máy ATM trên địa bàn huyện Hương Khê còn ít, chủ yếu đặt ở vùng trung tâm thị trấn Hương Khê.

Ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch chia sẻ: "Trên địa bàn xã không có máy ATM nên người dân phải đến xã Hương Trà (cách khoảng 10 km) để rút tiền, khá bất tiện. Các xã liền kề là Hương Trạch, Hương Đô hiện nay cũng chưa có máy ATM nào, trong khi đó, tính tổng chung 3 xã có 1.823 đối tượng nhận chi trả lương hưu, chế độ an sinh xã hội qua tài khoản. Trước thực trạng này, chúng tôi đề xuất sớm có chủ trương lắp đặt máy ATM tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân."

Theo thống kê của huyện Hương Khê, đến nay địa phương đã chi trả lương hưu qua tài khoản cho 5.707/5.899 đối tượng, đạt 96,74%; chi trả chế độ trợ cấp người có công, đối tượng BTXH qua tài khoản cho 5.702/8.433 đối tượng đã có tài khoản, đạt 68%.

1.jpg
Xã Hương Trạch hiện nay chưa có máy ATM, khoảng cách từ thôn xa nhất đến thị trấn Hương Khê là hơn 20 km.

Từ phản ánh, kiến nghị của người dân, trong tháng 6/2024, UBND huyện Hương Khê đã đề nghị các chi nhánh ngân hàng có thị phần lớn tại địa bàn Hương Khê nghiên cứu, khảo sát để báo cáo, đề xuất với cấp trên xem xét lắp đặt máy ATM tại các cụm điểm dân cư trên địa bàn huyện.

Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, trong thời gian chờ lắp các cây ATM mới, UBND huyện đã đề nghị UBND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các xã, các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện hỗ trợ đối tượng chính sách, người già, yếu, người khuyết tật trong việc nhận tiền trực tiếp tại nhà. Thời gian tới, huyện Hương Khê tiếp tục phối hợp, khâu nối với các đơn vị liên quan để sớm được phê duyệt lắp đặt thêm các máy ATM trên địa bàn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Nhân dân trong giao dịch gửi, rút tiền.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Quy định về thực hiện bình ổn giá

Quy định về thực hiện bình ổn giá

Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về việc thực hiện bình ổn giá.