Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Can Lộc.
Sáng 20/12, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong chủ trì buổi làm việc. |
Trước khi làm việc tại UBND huyện Can Lộc, đoàn khảo sát tại thị trấn Nghèn...
...và xã Khánh Vĩnh Yên.
Khó khăn trong bố trí, sắp xếp, giải quyết cán bộ dôi dư
Giai đoạn 2019 - 2021, huyện Can Lộc thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã để hình thành 3 ĐVHC cấp xã, giảm 5 ĐVHC cấp xã. Cụ thể: sắp xếp 3 xã: Khánh Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Lộc thành xã Khánh Vĩnh Yên; 3 xã Song Lộc, Kim Lộc, Trường Lộc thành xã Kim Song Trường; sáp nhập xã Tiến Lộc vào thị trấn Nghèn.
Bên cạnh đó, sáp nhập 6 trường tiểu học thành 2 trường; 6 trường mầm non thành 2 trường; 8 trạm y tế thành 3 trạm và sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Dân số - KHHGĐ với Bệnh viện Đa khoa huyện thành Trung tâm Y tế huyện.
Ông Trần Xuân Hoài - Trưởng phòng Nội vụ huyện Can Lộc báo cáo kết quả việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn
Sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, toàn huyện có 18 xã, thị trấn, trong đó: 1 xã đã đạt 100% về quy mô dân số và quy mô diện tích; 1 xã đạt 100% về quy mô dân số và trên 65% quy mô diện tích; 5 xã, thị trấn đạt trên 50% quy mô dân số và quy mô diện tích; 10 xã đạt trên 50% quy mô dân số nhưng chưa đạt 50% quy mô về diện tích; 1 xã chưa đạt 50% quy mô dân số và diện tích.
Thành viên đoàn giám sát tại buổi làm việc.
Việc sắp xếp các ĐVHC đã góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy; qua đó thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Sau sắp xếp, ĐVHC mới có quy mô diện tích lớn hơn nên thuận lợi hơn trong công tác quy hoạch các vùng sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư…
Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị huyện làm rõ hơn việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nhiều, gây khó khăn cho địa phương trong bố trí, sắp xếp, giải quyết. Chính sách hỗ trợ giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư còn hạn chế, chưa khuyến khích được đối tượng tự nguyện tinh giản.
Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất văn hóa chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu của Nhân dân cũng như hoạt động của cơ quan. Một số đơn vị sau sáp nhập có diện tích và dân số lớn nên công tác tham mưu quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như tài nguyên môi trường, thống kê, văn hóa, xã hội gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Ngọc Hải đề nghị huyện làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng, thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC ở địa phương; việc lấy ý kiến của Nhân dân, việc thông qua HĐND các cấp…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Can Lộc đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ việc. Đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở, hội trường, phòng giao dịch “một cửa” nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao dịch của Nhân dân cũng như điều kiện làm việc của cán bộ, công chức.
Huyện cũng đề nghị, trong giai đoạn 2022-2025 chưa thực hiện sắp xếp đối với ĐVHC cấp xã đã đảm bảo 50% quy mô dân số hoặc diện tích trở lên. Ngoài ra, đề nghị HĐND tỉnh xem xét quy định tỷ lệ phân chia định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 của các đơn vị sáp nhập cao hơn các đơn vị không thực hiện sáp nhập.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đề nghị huyện báo cáo rõ việc bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp; việc cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc mới (nếu có) và kinh phí phát sinh; đánh giá rõ hiệu quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước trên địa bàn sau sáp nhập.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã trao đổi thông tin làm rõ hơn những nội dung liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, pháp luật về sắp xếp ĐVHC; công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong việc chấp hành chủ trương, pháp luật về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã... Đồng thời, phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn; những ưu điểm, hạn chế trước, trong và sau quá trình thực hiện sáp nhập; việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động... |
Chủ tịch UBND huyện Đặng Trần Phong thông tin, làm rõ thêm các vấn đề thành viên đoàn giám sát yêu cầu.
Quan tâm kết nối vùng ở các ĐVHC sau sáp nhập
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu kết luận.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá, việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 ở địa bàn huyện Can Lộc được triển khai tương đối bài bản, nghiêm túc và đảm bảo các nội dung yêu cầu. Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân; bộ máy hành chính các đơn vị sau sáp nhập sớm đi vào hoạt động ổn định; phong trào quần chúng nhân dân ở các địa phương sôi nổi.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, địa bàn rộng đã gây không ít khó khăn trong sinh hoạt của các hệ thống chính trị; công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết đội ngũ cán bộ dôi dư còn vướng mắc...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, địa phương cần quan tâm kết nối vùng ở các địa phương thực hiện sáp nhập ĐVHC; tận dụng tối đa cơ sở vật chất trường học, trạm xá sau sáp nhập... Đặc biệt, huyện cần chủ động các phương án để chuẩn bị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2 (2022-2026).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh lưu ý huyện cần đánh giá cán bộ chi tiết hơn, có số liệu cụ thể, rõ ràng để làm căn cứ xây dựng giải pháp giải quyết đối với cán bộ dôi dư.
Đối với các kiến nghị và những nội dung huyện thông tin, đoàn giám sát sẽ tổng hợp và báo cáo đầy đủ lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.