Cảng cá Xuân Hội khởi động... trong khó khăn

(Baohatinh.vn) - Sau bao ngày chờ đợi, Cảng cá Xuân Hội chính thức mở cửa và đang từng bước khởi động trong điều kiện không ít khó khăn, thách thức. Bằng những chính sách ưu đãi, tỉnh đang nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư vào cảng, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá... mang lại hiệu quả kinh tế sau đầu tư.

Thách thức phía trước

Cảng cá Xuân Hội sau hơn 1 tuần mở cửa, không khí vẫn bình lặng với những đội tàu xa bờ im lìm neo đậu sau những chuỗi ngày dài bám biển trở về. Nhiều người dân ở đây nói rằng: “Cảng cá nhưng không có cá” bởi tất cả tàu thuyền khai thác trở về đều qua Cảng cá Cửa Hội (Cửa Lò – Nghệ An) “đổ hàng” rồi về đây neo đậu. Ngư dân Lê Huy Ngọ (xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) - chủ đội tàu xa bờ cho biết: Xuân Hội là địa phương có số lượng tàu thuyền khá lớn, đặc biệt là đội tàu đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, nhiều năm qua, người dân Xuân Hội dường như ít được hưởng lợi từ những sản phẩm đánh bắt trong vùng, bởi chưa có thị trường thu mua, buộc họ phải sang cảng bạn để tìm mối tiêu thụ. Không chỉ mạnh về bao tiêu sản phẩm, Cảng cá Cửa Hội còn là nơi có dịch vụ hậu cần nghề cá khá quy mô, bài bản nên bao năm nay, tàu thuyền khắp nơi về đây cập cảng tiếp nhiên liệu, thu mua đá lạnh trước khi ra khơi bám biển...

Cảng cá Xuân Hội khởi động... trong khó khăn ảnh 1

Cảng cá Xuân Hội hiện chỉ là chỗ neo đậu tàu thuyền đánh bắt xa bờ

Ông Đậu Văn Liệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hội, người gắn bó với ngư dân trăn trở: Cảng cá Xuân Hội đang từng bước đi vào hoạt động, hứa hẹn những đổi thay cho bà con ngư dân nơi đây. Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ đối với Cảng cá Xuân Hội là chủ tàu thuyền đều có mối liên kết từ nhiều năm nay với các chủ cơ sở dịch vụ ở Cảng cá Cửa Hội, từ sản phẩm khai thác đến cung ứng nguyên vật liệu... Muốn khai thác hiệu quả, Cảng cá Xuân Hội cần phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá xứng tầm, đáp ứng nhu cầu mới “hút” được tàu thuyền về đây cập cảng. Theo tính toán của ông Liệu, chỉ riêng đội tàu xa bờ của xã Xuân Hội, mỗi chuyến ra khơi mất khoảng 9.300 lít dầu/ngày, các tàu, thuyền khai thác vùng lộng chừng 1.600 lít; khoảng 1.500 cây đá lạnh để bảo quản sản phẩm mỗi ngày... Đó là chưa nói đến việc đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở bao tiêu sản phẩm cho bà con ngư dân và khôi phục, phát triển nghề chế biến hải sản...

Theo một số ngư dân, điểm bất lợi ở Cảng cá Xuân Hội là thiết kế cầu cảng quá dài. Từ khu neo đậu của cảng đi vào khu vực chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá mất gần 500m, dẫn đến việc trung chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao.

Tích cực thu hút đầu tư

Khác với không khí tại cầu cảng chính, trong khu vực sản xuất, dịch vụ là tiếng xe, máy cùng với công nhân lao động đang miệt mài thi công một số hạng mục thiết yếu... Cảng cá Xuân Hội với diện tích hơn 7 ha, có khả năng phục vụ trên 80 tàu thuyền/ngày, công suất tàu tối đa có thể cập cảng là 250 CV. Lượng hàng hóa thủy sản qua cảng 11.970 tấn/năm, hàng hóa khác 32.295 tấn/năm.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Sau khi công bố quyết định mở Cảng cá Xuân Hội, dựa trên quy hoạch chi tiết sử dụng đất để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá chính, bao gồm: nhà tiếp nhận thủy sản, xưởng nước đá và kho dự trữ đá, xưởng sơ chế đông lạnh, khu vực xăng dầu, kho và cửa hàng lương thực, ngư cụ..., Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân vào đầu tư kinh doanh, phát triển hậu cần nghề cá, phục vụ khai thác, đánh bắt thủy sản.

Lường trước khó khăn, đơn vị tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận dụng tốt các chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng mới cơ sở sản xuất đá lạnh công suất từ 10 tấn/mẻ đến dưới 20 tấn/mẻ phục vụ khai thác thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở; 200 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 20 tấn/mẻ trở lên. Hiện, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Thu xin thuê mặt bằng Cảng cá Xuân Hội để làm nhà máy đá lạnh, kho trữ đá lạnh, kho đông lạnh và dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích 2.000 m2. Ngoài ra, Công ty CP Chế biến thủy sản Hà Tĩnh cũng đang thống nhất địa điểm để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột cá và các loại dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn xã Xuân Hội...

Theo ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về lâu dài, cần xây dựng chính sách hậu cần nhằm thu hút tàu thuyền trong và ngoài tỉnh về Cảng cá Xuân Hội hoạt động, trong đó, giá cả phải hợp lý, chất lượng dịch vụ được đảm bảo. Đây chính là bài toán cạnh tranh để Cảng cá Xuân Hội mang lại hiệu quả kinh tế sau đầu tư. Mặt khác, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, công khai quy hoạch và kêu gọi con em xa quê đầu tư, phát triển Cảng cá Xuân Hội tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025