Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) làm việc với các hộ bán măng chứa chất cấm
Chúng tôi không biết măng có chứa chất cấm?!
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục quản lý Nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh) cho biết, trước thông tin phát hiện chất vàng ô trong măng tươi ở Nghệ An, đơn vị đã tiến hành lấy 7 mẫu măng, trong đó có 3 mẫu ở các siêu thị trên địa bàn thành phố, 3 mẫu ở chợ thành phố Hà Tĩnh và 1 mẫu ở chợ vườn ươm (phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh). Theo kết quả phân tích của Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm quốc gia, có 4/7 mẫu măng tươi nói trên có chứa chất vàng ô với mức phát hiện từ 30,32 mg/kg đến 1000 mg/kg.
Gặp gỡ các hộ kinh doanh có mẫu măng chứa chất vàng ô nói trên, đa số đều cho rằng họ hoàn toàn không biết là măng có chứa chất cấm. Chị Trần Thị Khởi, một trong 4 hộ kinh doanh vi phạm cho biết: “Măng đợt này chúng tôi lấy từ chợ Vinh, qua điện thoại rồi họ gửi hàng vô. Nói thật, có hôm chúng tôi cũng thấy khác thường, vì khi thì màu nhạt, khi thì vàng đẹp hơn nên gọi điện thắc mắc. Họ cứ nói là không răng mô, chỉ là bỏ thêm bột nghệ cho đẹp. Chúng tôi hoàn toàn không biết. Bởi vậy, không chỉ bán mà chúng tôi còn đưa về nhà để ăn”.
Chị Võ Thị Thư (tiểu thương ở chợ thành phố Hà Tĩnh) cũng bày tỏ, nếu biết măng có độc thì chị đã không bán. Mà chị không phải là số ít, chiếm khoảng 80% hộ kinh doanh rau củ ở chợ thành phố Hà Tĩnh đều bán măng. Mỗi thùng măng chứa được 35 kg. Có khi 1 ngày các chị đã bán hết cả thùng, hoặc nếu chậm thì 2,3 ngày cũng sẽ hết. Chị Thư cho biết thêm, đa số các tiểu thương trong chợ đều nhập măng có cùng nguồn gốc. Nếu vào mùa măng thì lấy từ Hương Khê, Hương Sơn, còn trái mùa chủ yếu nhập ở Vinh.
Như vậy, mỗi ngày có không biết bao nhiêu tạ măng được bán ra từ chợ thành phố Hà Tĩnh, chợ vườn ươm (và các chợ khác) mà người tiêu dùng không hề biết mình đang phải bỏ tiền cho những thứ thực phẩm “đầu độc” sức khỏe chính mình và gia đình mình. Người bán hàng không biết hay cố tình không biết? Còn cơ quan chức năng, dường như đây là lần đầu tiên lấy mẫu phân tích và có khuyến cáo cụ thể.
Điều đáng lưu ý nữa là 4 mẫu măng tươi có chất vàng ô này đều là các mẫu được lấy từ chợ (3/3 mẫu ở chợ thành phố Hà Tĩnh và 1/1 mẫu ở chợ vườn ươm); còn 3 mẫu ở các siêu thị hoàn toàn không có chất vàng ô.
Ông Nguyễn Duy Hòa – Trưởng Ban quản lý chợ thành phố Hà Tĩnh cho biết: Nói thật, chúng tôi quản lý chợ nhưng chúng tôi không thể biết được các mặt hàng trong chợ có đạt chất lượng hay không, quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào cho hàng ở chợ không có và nằm ngoài chức năng, năng lực của BQL. Qua 4 mẫu măng này, chúng tôi thấy thực sự lo lắng, vì đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, trong đó có chúng tôi và người thân của chúng tôi.
Chúng tôi tha thiết yêu cầu các ngành chức năng thường xuyên lấy mẫu, không chỉ măng mà còn các loại rau, củ khác đang tràn lan trong chợ để kiểm tra và có khuyến cáo cụ thể. Đối với các hộ vi phạm buôn bán thực phẩm bẩn, nhất là các thực phẩm có chất cấm, nếu tái phạm lần thứ 2 chúng tôi sẽ thực hiện đóng cửa quầy, không cho phép tiếp tục kinh doanh trong chợ.
Từ 1/7, bán hàng có chất cấm sẽ cấu vào tội hình sự
Chất vàng ô thường được sử dụng trong công nghiệp nhuộm sợi, da, giấy hay công nghiệp in ấn, tạo màu các loại mực và được khuyến cáo chỉ dùng trong công nghiệp, không được sử dụng làm chất phụ gia để trộn vào thức ăn cho người hay động vật. Chất vàng ô là chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có thể làm tổn thương gan, thận hoặc có nguy cơ gây bệnh ung thư (được xếp vào nhóm 3).
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục quản lý nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Hầu hết các chủ kinh doanh vi phạm đều thanh minh do mình không biết măng có chất cấm. Nhưng họ cũng không xuất trình được ghi chép nhật ký nhập hàng và bán hàng để truy xuất và truy thu. Với lại, luật pháp đã có quy định rõ ràng, người sản xuất phải chịu trách nhiệm của người sản xuất, người bán hàng cung cấp thực phẩm có chất cấm cũng phải chịu trách nhiệm… Tuy nhiên, vào thời điểm này, họ chỉ bị xử phạt hành chính, phạt tiền. Nhưng kể từ 1/7/2016 trở đi, nếu sản xuất, buôn bán các mặt hàng có chất cấm (như măng tươi có chất vàng ô) thì ngoài phạt tiền nặng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, ít nhất từ 6 tháng tù trở lên.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, có thể phân biệt được măng ngâm hóa chất và không ngâm hóa chất như sau: - Măng không ngâm hóa chất có màu vàng nhạt, dai, nhìn không bóng bẩy, có mùi chua thơm tự nhiên. - Măng ngâm hóa chất thường vàng đậm hoặc trắng phau (hóa chất nhuộm vàng hoặc tẩy trắng), bóng bẩy, đẹp mắt, sở vào có cảm giác dính tay, măng giòn, dễ gãy, ngửi có mùi khét. | ||