Cảnh giác với các chiêu trò mạo danh Bệnh viện 108 để lừa đảo

Gần đây, xuất hiện hàng loạt trang fanpage mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp cận người dân nhằm chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng.

Cảnh giác với các chiêu trò mạo danh Bệnh viện 108 để lừa đảo

Các trang giả mạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. (Ảnh: BVCC)

Ngày 11/8, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục thiết lập các trang mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lừa đảo, trục lợi. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác, để tránh “mắc bẫy” các đối tượng lừa đảo thông qua hàng loạt fanpage (Facebook) mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp cận người dân nhằm chào bán sản phẩm thuốc , dịch vụ y tế kém chất lượng làm tổn hại sức khỏe của người dân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bệnh viện.

Các thủ đoạn lừa đảo này bao gồm lập tên trang mạo danh lập lờ, dễ gây hiểu nhầm như “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108, “Bệnh viện Quân đội 108”… đến thực hiện sao chép, đăng tải trái phép các bài đăng, logo, slogan trên fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn cắt ghép hình ảnh, video về Bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo sản phẩm hòng lôi kéo người theo dõi.

Các đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mời đầy hứa hẹn với ưu đãi lớn: “Điều trị dứt điểm tiểu đường không tái phát chỉ với một liệu trình”, “thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám , sản phẩm làm đẹp được kiểm nghiệm bởi Viện 108”, “bác sỹ hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ trực tiếp thực hiện”…

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không chỉ mạo danh Bệnh viện và các khoa của Bệnh viện, các trang giả mạo còn mạo danh bác sỹ của Bệnh viện để tăng độ tin cậy với người dân. Nội dung giả mạo như: Khẳng định mời được thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến cơ sở của họ để khám cho người bệnh; hoặc trực tiếp liên lạc giới thiệu mình là bác sĩ, điều dưỡng của khoa mà bệnh nhân vừa ra viện để chào mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà như: Chăm sóc vật lý trị liệu, thay băng, chăm sóc bà bầu, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, xét nghiệm, tiêm thuốc, truyền dịch...

Nhiều trường hợp mạo danh bác sỹ của Bệnh viện để tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch: Có bệnh chỉ cần áp dụng “liệu pháp chữa lành tự nhiên” trong một cuốn sách nào đó, không cần các phương pháp y học hiện đại.

Bên cạnh việc lập các nền tảng mạng xã hội mạo danh (trên Facebook, Tiktok, Zalo…), nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà bệnh nhân để dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cá biệt, có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các địa bàn ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai.

Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online), Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sỹ tại các nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chưa triển khai khám, điều trị tại nhà.

Vì vậy, người dân cần đọc và tham khảo thông tin chính thống từ bệnh viện tại Cổng thông tin chính thức của Bệnh viện là www.benhvien108.vn, Fanpage chính thức là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” có dấu tích xanh xác nhận của Facebook.

Theo T.G (Vietnam+)

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.