Chiến lược tàu sân bay có thể khiến Mỹ ngậm quả đắng trên chiến trường tương lai

Mỹ có nguy cơ thất bại khi dồn lực vào vũ khí đời cũ đắt đỏ, trong khi Trung Quốc quyết tâm theo đuổi công nghệ tương lai.

Theo kế hoạch đóng tàu kéo dài 30 năm hiện nay, Mỹ sẽ tiếp tục chế tạo và hạ thủy các tàu sân bay cho tới năm 2048. Giới chuyên gia cho rằng chiến lược theo đuổi thứ vũ khí đắt đỏ này có thể khiến Mỹ thất thế trong kỷ nguyên chiến tranh công nghệ cao, đặc biệt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo Washington Post.

Nhóm chiến lược Aspen, gồm nhiều quan chức và cựu cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ, nhận định các hệ thống tác chiến trong tương lai sẽ xoay quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), vũ khí mạng và robot, có thể hoạt động trên mặt đất, mặt biển và bầu trời. Trong khi đó, quân đội Mỹ có thể vẫn phải dựa vào tàu sân bay, oanh tạc cơ, tiêm kích và tàu ngầm vốn đã ra đời từ hàng chục năm qua.

"Mỹ sở hữu một số lượng nhỏ các vũ khí đắt đỏ, do con người vận hành, khó thay thế và đã quá lỗi thời. Chúng đang dần bị công nghệ hiện đại vượt mặt", Christian Brose, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, lo ngại. Ông cho rằng Lầu Năm Góc cần bổ sung nhiều hệ thống tự động, không người lái, giá rẻ và dễ thay thế, có thể sống sót trong không gian chiến trường điện tử mới và vượt qua mọi đối thủ tiềm tàng.

Chiến lược tàu sân bay có thể khiến Mỹ ngậm quả đắng trên chiến trường tương lai

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trong chuyến thử nghiệm giữa năm 2017. Ảnh: USNI.

"Chúng ta không thiếu tiền, nhưng chúng ta sẽ thua trận nếu duy trì tình trạng này. Các đối thủ đang sử dụng công nghệ hiện đại để vô hiệu hóa ưu thế quân sự của Mỹ. Tình thế ngày càng đáng báo động", Brose nhận định.

Nguồn lực đầu tư cho công nghệ quân sự tương lai nhiều lần bị Mỹ cắt giảm trong các dự thảo ngân sách quốc phòng. Trong đề xuất ngân sách quốc phòng 74 tỷ USD cho năm tài khóa 2019, Lầu Năm Góc chỉ dành 0,006% cho khoa học và công nghệ.

Ngay cả khi Bộ Quốc phòng Mỹ muốn thúc đẩy đổi mới công nghệ, họ cũng gặp không ít trở ngại. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter từng thành lập Đơn vị Thử nghiệm Đổi mới Quốc phòng (DIUx) dưới thời chính quyền Obama. Chương trình này từng nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng đang bị đình trệ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump vì thiếu ngân sách và hỗ trợ hành chính.

Các chuyên gia đánh giá thách thức công nghệ lớn nhất của Mỹ hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Chỉ trong vài năm, AI đã vượt qua con người ở một số lĩnh vực, bên cạnh việc nhận dạng giọng nói và vật thể tốt hơn. Công nghệ này dự kiến được tích hợp vào vũ khí chiến đấu trong tương lai gần.

Trung Quốc dường như quyết tâm sở hữu lợi thế về AI trong xung đột tương lai. Các công ty Trung Quốc đã giành chiến thắng trong hàng loạt cuộc thi phát hiện vật thể dành cho AI trong hai năm qua. Khi Washington dồn lực đóng tàu sân bay và oanh tạc cơ, Bắc Kinh lại tập trung phát triển những giải pháp công nghệ giá rẻ, có thể vô hiệu hóa những khí tài đắt tiền của đối phương.

Trung Quốc gần đây tuyên bố đang thử nghiệm các loại tàu mặt nước, tàu ngầm không người lái mang trí tuệ nhân tạo có thể tự đưa ra quyết định tác chiến trên biển, thậm chí tung đòn tấn công tự sát vào tàu sân bay đối phương. Dù còn nghiều nghi ngờ về tính khả thi của công nghệ này, đây là tín hiệu đáng báo động mà Bắc Kinh đang phát đi tới Washington.

Chiến lược tàu sân bay có thể khiến Mỹ ngậm quả đắng trên chiến trường tương lai

Tàu không người lái có thể lập đội hình tấn công tự sát của Trung Quốc.

Việc Mỹ dễ bị tổn hại trong chiến tranh thông tin cũng khiến các chuyên gia thuộc nhóm chiến lược Aspen lo ngại. Mỹ có Bộ tư lệnh Không gian mạng nhưng chưa từng tiến hành một chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn với đối thủ xứng tầm.

"Với dân số lớn nhất thế giới và nền kinh tế được dự báo sẽ soán ngôi số một của Mỹ, Trung Quốc là đối thủ cực kỳ nguy hiểm trong tương lai. Washington cần hiện đại hóa quân đội ngay từ bây giờ để đối mặt với những vấn đề lớn phía trước", các chuyên gia nhóm Aspen khuyến nghị.

Theo VNE

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.