Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã thông tin một số chuyên đề quan trọng. Trong đó, tập trung quán triệt việc thực hiện Nghị định 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, chuẩn hoá chế độ báo cáo và triển khai Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; quán triệt việc gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg và triển khai kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương với Cổng dịch vụ công quốc gia theo Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP…
Thảo luận tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã đánh giá cao hiệu quả của việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Việc áp dụng trong thực tế đã tạo nhiều thuận lợi cho các đơn vị, địa phương và người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhiều đơn vị, địa phương cũng đã giảm tải, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, không phù hợp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đại biểu Hà Tĩnh tham dự hội nghị.
Bên cạnh đó, các địa biểu cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành, hướng dẫn chi tiết việc xử lý văn bản trên môi trường điện tử để tạo sự thống nhất, đồng bộ; nghiên cứu giải pháp lưu trữ hồ sơ, bảo mật thông tin; hướng dẫn các đơn vị, địa phương vận dụng kinh phí đầu tư hạ tầng…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, dự kiến, Văn phòng sẽ tổ chức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong tháng 3/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác chuẩn hóa số liệu, dữ liệu báo cáo để chuyển sang bảng, biểu thống kê trong gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử.
Bộ trưởng đề nghị Sở TT&TT, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan xem xét tư vấn vấn đề đầu tư hạ tầng (phòng máy chủ, phòng điều hành...), thuê dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó ưu tiên phương án cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hạ tầng.
Đề nghị các địa phương cùng với Văn phòng Chính phủ tổ chức tuyên truyền thông tin sâu rộng để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến, hướng tới Chính Phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
Đến nay, cả nước có 95/95 đơn vị đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó, có 65 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh, 30 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia. Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối với Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (ngày 12/3/2019), tính đến ngày 04/02/2020, đã có gần 1,25 triệu văn bản, trong đó có khoảng 298.000 văn bản gửi và 945.000 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. |