Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

(Baohatinh.vn) - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Minh Đạo và Phó Giám đốc Sở Thông tin & truyền thông Bùi Đắc Thế điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Sáng 8/1, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số.

Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì. Ảnh: VGP/Giang Phan.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển CPĐT là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Việc xây dựng CPĐT phải gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.

Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Minh Đạo và Phó Giám đốc Sở Thông tin & truyền thông Bùi Đắc Thế chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như ngày hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai CPĐT, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cũng đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng CPĐT và khẳng định: Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam về kinh nghiệm và kiến thức Chính phủ Nhật Bản tích lũy được.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trình bày kết quả, bài học về công tác cải cách TTHC, xây dựng CPĐT và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đã cắt giảm trên 3.800 điều kiện kinh doanh, trên 6.700 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; năm 2020 phối hợp thẩm tra 52 dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật quy định 280 TTHC.

Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

Đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được cải thiện rõ ràng: 100% các ban, ngành, địa phương đã kiện toàn Bộ phận một cửa. Đã có 59/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính cấp tỉnh; chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao, có phản hồi tích cực, đạt tỷ lệ 97,37% đúng hẹn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã triển khai vận hành các hệ thống phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Cụ thể: trục liên thông văn bản quốc gia tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm; hệ thống e-Cabinet tiết kiệm 169 tỷ đồng/năm; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiết kiệm 460 tỷ đồng/năm; cổng dịch vụ công quốc gia tiết kiệm hơn 8.000 tỷ đồng/năm…

Mục tiêu phát triển CPĐT giai đoạn 2021 - 2025 là hoàn thiện thể chế, chính sách; sử dụng nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu trong liên thông dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, hình thành hệ sinh thái số; tái cấu trúc hạ tầng, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, tăng cường bảo mật, an toàn an ninh thông tin…

Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

Các tỉnh, thành tham dự hội nghị.

Hội thảo cũng đã nghe ông Naohiko Okuda - Giám đốc, Ban Kế hoạch Hệ thống thông tin Chính phủ, Cục Quản lý hành chính, Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản trình bày chuyên đề “Chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ số” và “Kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản”.

Theo đó, để giải quyết cơ bản những vấn đề quản lý hành chính kém hiệu quả, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện cải cách quy chế một cách toàn diện, xóa bỏ quản lý hành chính theo chiều dọc. Một sự đột phá để thực hiện điều này là thành lập Cục Kỹ thuật số.

Tiếp đó, Tiến sỹ Koju Fukuda - Nghiên cứu cao cấp, Nhóm Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm toàn cầu về cải tiến xã hội Tokyo - Hitachi trình bày chuyên đề “Xây dựng chính sách sử dụng Trí tuệ nhân tạo”.

Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng những thông tin, bài học kinh nghiệm chuyên gia Nhật Bản chia sẻ hết sức quý báu, có ý nghĩa với quá trình xây dựng và phát triển CPĐT tại Việt Nam.

Hà Tĩnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản trong phát triển Chính phủ điện tử

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kết luận hội thảo.

Để thúc đẩy phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy vai trò người đứng đầu trong việc ứng dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý hồ sơ, giải quyết công việc, gửi nhận văn bản điện tử.

Các cơ quan, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, lấy công nghệ thông tin làm công cụ, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp. Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, phải lấy mục tiêu người dùng, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là chính, là hiệu quả của xây dựng CPĐT chứ không phải đưa nhiều dịch vụ công để lấy thành tích.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast