Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ thị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự năm 2021

(Baohatinh.vn) - Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự năm 2021. Chỉ thị được quán triệt đến các chi bộ Đảng và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ thị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự năm 2021

Công an Hà Tĩnh ra quân tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, của tỉnh, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh; là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi cơ bản, còn nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự.

Để tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chị thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới;

Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 32-KL/TW ngày 5/7/2018 của Bộ Chính trị về tình hình an ninh, trật tự nổi lên gần đây và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 7/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 14-KH/TW ngày 25/03/2019 của Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch trong tình hình mới; nâng cao năng lực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội đối với các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm và đấu tranh phản bác hiệu quả các luận điệu sai trái, thù địch.

2. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hội, nhóm có âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; hoạt động tán phát thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, gây rối; tăng cường công tác tuyên truyền, phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an ninh mạng, an ninh thông tin của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Trung ương, của tỉnh về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên khi ra nước ngoài. Tập trung công tác thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị liên quan nhân sự dự kiến giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, chính quyền trong triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời, phải chịu trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những nhân tố có thể dẫn đến mất an ninh, trật tự, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý cán bộ, đảng viên về bảo vệ bí mật Nhà nước, quy chế phát ngôn.

3. Quán triệt và thực hiện nhất quán chủ trương gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nghiên cứu, đánh giá toàn diện các nguy cơ về an ninh kinh tế, đặc biệt là triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội có phạm vi tác động lớn có thể dẫn đến các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; kiểm soát chặt chẽ các dự án, hội thảo do nước ngoài tài trợ, không để ảnh hưởng đến lợi ích, an ninh quốc gia.

4. Bám sát địa bàn, cơ sở, chủ động nắm tình hình; thường xuyên rà soát, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, không để tồn đọng, kéo dài. Chủ động ngăn ngừa, xử lý sớm các vấn đề có thể gây bức xúc, dư luận xấu trong Nhân dân, không để các thế lực thù địch, đối tượng phản động lợi dụng kích động chống phá.

5. Chủ động mở các đợt trấn áp, truy quét tội phạm, tệ nạn xã hội; kịp thời xử lý những vấn đề mới, phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở; có giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ. Tập trung đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường, các loại tội phạm hình sự, trật tự xã hội nổi lên trên địa bàn.

Xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các mục tiêu trọng điểm; các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế đến thăm, làm việc trên địa bàn; đảm bảo an ninh, trật tự để Nhân dân vui Tết, đón Xuân Tân Sửu 2021.

6. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phục vụ doanh nghiệp và người dân. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý người nước ngoài ở các khu kinh tế, khu vực biên giới Việt - Lào và tuyến biển; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh về nước gắn với phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không để phát sinh dịch bệnh, lây lan trong cộng đồng.

Quản lý chặt chẽ hoạt động các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tiếp nhận, quản trị, vận hành, khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tổ chức cấp căn cước công dân trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, làm giảm tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, không để xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

7. Đẩy mạnh công tác dân vận gắn với Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Gắn kết chặt chẽ thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn, huy động tối đa nguồn lực trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, đảm bảo hoạt động hiệu quả, kịp thời giải quyết những phức tạp về an ninh, trật tự. Đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp và kiên trì vận động Nhân dân tích cực tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là ở các đô thị, khu vực biên giới, miền núi, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc thù. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải phù hợp với tình hình từng địa bàn cụ thể. Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để lực lượng công an cấp xã phát huy vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

8. Đảng ủy Công an tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng trong ngành phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

9. Các ban cán sự Đảng, đảng đoàn, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quán triệt, triển khai các giải pháp cụ thể thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị.

Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị và báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast