Kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Sáng 15/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ và hơn 70 đại sứ, trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện lãnh đạo tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và một số tập đoàn lớn...

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn chủ trì hội nghị.

Kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 là sự kiện hết sức có ý nghĩa nhằm quán triệt tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII và các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đối với toàn ngành ngoại giao cũng như các cơ quan đối ngoại, ngoại vụ ở các địa phương.

Với tinh thần trách nhiệm cao và phát huy trí tuệ tập thể, ngành ngoại giao sẽ đề ra kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thiết thực để triển khai công tác đối ngoại.

Kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn chủ trì hội nghị.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Ngành ngoại giao đã kiên trì nguyên tắc, kiên định mục tiêu: chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng yếu của đối ngoại. Từ đó, đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ, cán bộ ngoại giao cũng tập trung đánh giá xu thế của tình hình thế giới, thời cơ và thách thức đối với Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, đề xuất một số mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhằm triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước.

Kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị Ngoại giao 31 có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo hết sức toàn diện và sâu sắc, đúc rút từ lý luận và thực tiễn về những thành tựu, bài học của ngành ngoại giao trong thời gian qua; đồng thời, quán triệt và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành những định hướng lớn để toàn hệ thống chính trị tập trung triển khai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập thể cán bộ, đảng viên của ngành ngoại giao cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi nhằm tạo nên bước chuyển biến mới trong công tác của ngành ngoại giao, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về một số mặt hoạt động như: việc nghiên cứu chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu cần cố gắng hơn; chưa phát huy được hết tiềm năng hợp tác kinh tế tại một số địa bàn chiến lược; số lượng cán bộ làm việc trong các tổ chức quốc tế còn khiêm tốn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn hạn chế… Đồng thời, bày tỏ chia sẻ, cảm thông với đội ngũ những người làm công tác ngoại giao về những khó khăn, thử thách trong dịch bệnh COVID-19, nhất là một số cán bộ, nhân viên tại các sứ quán nhiễm COVID-19.

Về nhiệm vụ trong năm 2022 và 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngoại giao cần đánh giá đúng tình hình, cơ hội và thách thức trong công tác đối ngoại. Trong đó, lưu ý một số vấn đề như: cạnh tranh chiến lược, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Biển Đông; tác động của đại dịch COVID-19; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường…

Trước mắt, cả nước tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và khôi phục, phát triển KT-XH; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; làm cho Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng nêu rõ trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo đó, với phương châm “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, công tác ngoại giao triển khai 3 trụ cột: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast