Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Phát triển công nghiệp và công suất sản xuất thép của dự án Formosa ở mức độ nào? Sản xuất điện than hay điện khí? phát triển du lịch và các đô thị ra sao… để đảm bảo mục tiêu Hà Tĩnh tăng trưởng xanh, là những vấn đề được đại biểu tập trung thảo luận kỹ tại buổi làm việc chiều nay (25/3) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì phiên họp; Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng,; các ủy viên BTV Tỉnh ủy cùng dự họp.

Các đại biểu dự họp đồng tình quan điểm “tăng trưởng xanh” cũng như 4 trụ cột tăng trưởng và các giải pháp đơn vị tư vấn đề xuất về phát triển công nghiệp (sản xuất thép, hậu thép, điện, khí hóa lỏng…).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng với quy hoạch đã cấp cho dự án Formosa và cơ sở hạ tầng doanh nghiệp đã đầu tư thì việc cho phép Formosa nâng công suất sản xuất giai đoạn 2 lên 15 triệu tấn là khả thi. Vấn đề là tư vấn làm rõ hơn yếu tố tác động, sức chịu tải của môi trường khi nâng công suất.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Với quy hoạch đã cấp cho dự án Formosa và cơ sở hạ tầng doanh nghiệp đã đầu tư thì việc cho phép Formosa nâng công suất sản xuất giai đoạn 2 lên 15 triệu tấn là khả thi.

“Hiện Formosa đã chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang dập khô cùng với đầu tư hệ thống xử lý môi trường hàng trăm triệu USD và đã được các cơ quan chuyên môn cấp bộ ngành chứng nhận đảm bảo yếu tố môi trường. Hơn nữa, theo quy hoạch đã cấp cho Formosa và hạ tầng họ đã đầu tư là đến 22 triệu tấn/năm” – Phó Chủ tịch Dương Tất Thắng cho biết.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cũng cho rằng, nếu để công suất sản xuất thép 7 triệu tấn/năm như tư vấn đề xuất thì sẽ “lãng phí” hạ tầng của nhà đầu tư cũng như khó đạt các mục tiêu tăng trưởng chung.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Về phát triển đô thị, du lịch, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, tư vấn cần làm rõ quy hoạch tổng thể phải gắn với những quy hoạch cụ thể và các dự án hiện hữu, dự án tương lai.

Bổ sung làm rõ thêm các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, 4 trụ cột phát triển tư vấn đề xuất là phù hợp thực tiễn, nhưng cần bổ sung, chứng minh rõ khả năng phát triển của 4 trụ cột đó. Tư vấn cần đánh giá tiềm năng lợi thế của Hà Tĩnh để từ đó có chiến lược phát triển đúng. Tăng trưởng nhưng phải đảm bảo về môi trường. Xanh ở đây bao hàm ý nghĩa rộng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trụ cột số 1 vẫn là công nghiệp với công nghiệp chế biến chế tạo, hậu thép, cảng biển logistics; giữ nguyên quy hoạch nhiệt điện đã được Chính phủ phê duyệt (6.300 MW) nhưng cần xem xét chuyển nguyên liệu đầu vào (từ than sang khí).

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: 4 trụ cột phát triển tư vấn đề xuất là phù hợp thực tiễn, nhưng cần bổ sung, chứng minh rõ khả năng phát triển của 4 trụ cột đó

“Về công suất thép, tại dự án Formosa, theo quy hoạch, thiết kế về hạ tầng là đảm bảo sản xuất 22 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sức chịu tải của môi trường như thế nào? Có đảm bảo cho công suất 15 triệu tấn hay 22 triệu tấn/năm không? thì tư vấn cần làm rõ” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Về trụ cột nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, tư vấn cần chỉ rõ những lợi thế như: trồng cây ăn quả, chế biến gỗ MDF, chăn nuôi hươu; nuôi trồng chế biến thủy hải sản ở các huyện ven biển… Đây là những mặt hàng có thể tiến tới xuất khẩu.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Tư vấn cần phân tích, chỉ rõ những tiềm năng lợi thế của Hà Tĩnh trong phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; cần làm rõ hơn định hướng du lịch biển và phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, Hà Tĩnh có diện tích đất rừng lớn, đó là lợi thế về phát triển du lịch sinh thái

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, qua các lần lấy ý kiến BTV Tỉnh ủy và các sở ngành, đến nay, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do BCG làm tư vấn đã đạt kết quả nhất định.

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhìn một cách toàn diện và cân nhắc kỹ thấy kịch bản 2 là phù hợp với điều kiện phát triển của Hà Tĩnh. Từ chọn kịch bản 2, đề nghị tư vấn tính kỹ tốc độ tăng trưởng và chỉ tiêu khác để đảm bảo tính khả thi cao, đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh: Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất cao với các đại biểu về thứ tự ưu tiên 4 trụ cột phát triển: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ cảng – logistics; du lịch thương mại gắn với đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

Về công suất sản xuất thép, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất cho công suất sản xuất thép đến 15 triệu tấn nhưng tư vấn phải làm rõ sức chịu tải môi trường; làm rõ về mặt công nghệ, quản lý chặt đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn. Giữ quy hoạch nhiệt điện (6.300 MW) tại KKT Vũng Áng nhưng phải đảm bảo công nghệ mới, thân thiện môi trường. Đưa vào quy hoạch điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió… Về hạ tầng giao thông, vẫn giữ quy hoạch sân bay.

Nông nghiệp Hà Tĩnh phải là nông nghiệp khác biệt, phát huy lợi thế chăn nuôi, cây trồng, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản (hươu, đặc sản cây ăn quả, thủy hải sản) gắn với biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu đơn vị tư vấn BCG tập trung thời gian, tăng cường bố trí nhân sự có đủ năng lực để hoàn thiện nội dung các báo cáo quy hoạch; đặc biệt, cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để hoàn thiện quy hoạch.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast