Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030...

Sáng 25/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, ngành, doanh nghiệp… cùng tham dự.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì hội nghị.

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Ảnh: VGP

Trong năm 2022, công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tập trung, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước thay đổi thói quen, tư duy của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng cao như (xác nhận chứng minh nhân dân, thông báo lưu trú, thủ tục làm con dấu…).

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Về việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kết nối dữ liệu, góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử được tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% các cơ sở y tế…

Hệ thống của Bộ Công an đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân; cấp trên 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân, tạo nền tảng để triển khai tiện tích về dịch vụ công và phát triển KT-XH.

Theo lộ trình của Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; 4 bộ ngành đã triển khai số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung, 5 bộ ngành đã triển khai số hóa 1 phần…

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 - Ảnh: VGP

Các bộ ngành, địa phương đã có nhiều hình thức tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện Đề án 06, nhất là việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Đối với việc triển khai kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề năm 2022 là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổng hợp và công bố 72 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn và đưa các bài toán chuyển đổi số này thành đầu bài trong Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions năm 2022.

Hiện nay, hạ tầng số phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia đã được nâng cấp, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,60% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.152 thôn, bản (toàn quốc đạt 99,73% thôn, bản đã có sóng, tăng 1,9% so với đầu năm 2021).

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đối với việc xây dựng chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Cùng với đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số; 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia.

Đặc biệt, tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2022 ước đạt 14,26%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến hết năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng gần 6.200 doanh nghiệp so với 12/2021. Hoạt động của người dân trên môi trường số cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 9 về số lượt tải mới ứng dụng di động toàn cầu; có khoảng 75 triệu người dùng internet thường xuyên/tháng (tăng gần 8 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước).

Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 phê duyệt Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã vận hành ổn định, bảo đảm liên thông 3 cấp, phục vụ tốt công tác tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính; tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt 99,9%.

Hà Tĩnh thành lập được 95 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, 350 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn, triển khai hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số đến tận người dân…

Tỉnh đã hoàn thành và đưa 11 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 7 dịch vụ công toàn trình (mức độ 4). Tính đến ngày 10/12/2022, toàn tỉnh đã cấp thẻ căn cước công dân cho 1.077.887 công dân đủ điều kiện; thu nhận cấp 336.668 tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đã kích hoạt 87.325 định danh điện tử mức 2...

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá rõ ràng, khách quan về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc.

Đồng thời, xác định rõ các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả tích cực mà bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 thời gian qua.

Đồng thời, phân tích, chỉ ra những hạn chế trong thời gian qua như: việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao vẫn còn thấp; hạ tầng, nền tảng phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu…

Thủ tướng Chính phủ khẳng định quá trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06 có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; cần phải chú trọng vào việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể và cũng là mục tiêu, động lực khi thực hiện các kế hoạch, đề án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của chuyển đổi số quốc gia trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 gắn với vấn đề bảo bảo an ninh, an toàn thông tin;

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khẩn trương hoàn thiện và quyết liệt triển khai kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023; ban hành kế hoạch chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn chặt với với các nguồn lực để thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị liên quan chủ động hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Các bộ, ngành, địa phương chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu với nhau; kết nối các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tập trung triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 vào phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực tiễn; tiếp tục đào tạo nhân lực công nghệ thông tin nhất là nhân lực trình độ cao; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế trong chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu, trong năm 2023, Bộ Công an tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; giao Bộ Công an có trách nhiệm tiếp tục thực hiện tốt Đề án 06; Bộ TT&TT triển khai kế hoạch thực hiện chuyển đổi số quốc gia năm 2023 phù hợp.

Các bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường... có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast