Tổ quốc linh thiêng

(Baohatinh.vn) - Tôi bắt đầu gõ lên bàn phím hai từ “Tổ quốc” khi bên tai tôi còn hằn in giọng cha đọc rành rọt ngày nào: Tổ quốc em đẹp lắm/ Cong cong hình lưỡi liềm/ Trên - núi cao trùng điệp/ Dưới - biển sóng mông mênh. Ánh mắt cha, ánh mắt của người lính Trường Sơn 1968 vừa cương nghị, vừa yêu thương, soi vào tôi những lời dặn dò chắc nịch. Cha bảo, lời thơ của Phạm Hổ tuy hồn nhiên, vui vẻ nhưng nhà thơ muốn cha, con và nhiều người ít tuổi hơn hiểu rằng, Tổ quốc là một chỉnh thể tồn tại không thể tách rời, là tiền đồ có từ ngàn năm.

Tuần tra trên Đảo Trường Sa. Ảnh: Vũ Anh Tuấn
Tuần tra trên Đảo Trường Sa. Ảnh: Vũ Anh Tuấn

Tôi lớn lên mang theo lời cha, trong không khí hòa bình, tôi miệt mài tìm “cảo thơm lần giở” để hiểu về Tổ quốc ngàn năm. Dải đất hẹp về bề ngang, uốn cong hình chữ S, nằm hiền hòa bên bờ Thái Bình Dương, vậy nhưng, ẩn đằng sau là lớp lớp sóng dữ dằn từ Bạch Đằng, Như Nguyệt đến sóng ngầm bể cả. Bao nhiêu dòng máu nóng đã chảy, lớp người đã vĩnh viễn hóa vào thời gian, tạc vào lòng những người đến sau tình cảm yêu nước nhiệt thành, tinh thần xả thân vì cương vực. Với tinh thần dân chủ truyền thống, vua - tôi hòa mục, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khẳng định bờ cõi và văn hiến, làm nên một Việt Nam kiên cường, độc lập.

Lớp cha trước, lớp con sau, cứ thế, người Việt Nam đi qua thời gian với những câu chuyện dài về mở mang, gìn giữ bờ cõi, buộc thực dân và thế giới phải công nhận về pháp lý và thừa nhận về tinh thần: một dân tộc anh hùng, chiến đấu kiên trì, bền bỉ cho lẽ phải và công lý được thực thi. Năm 1945, giữa cái đói bủa vây do gần trăm năm dân ta trong xiềng xích nô lệ, giữa quảng trường Ba Đình lịch sử, người con ưu tú đại diện cho quốc dân đồng bào trịnh trọng tuyên bố với thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam mới. Triệu triệu trái tim rạo rực, vui sướng đến nghẹn ngào trong không khí rợp cờ và hoa. Nước Việt Nam không chỉ buộc thế giới công nhận nền độc lập mà còn tự gây dựng cho mình một thể chế mới, một mô hình quản lý xã hội mới. Người Việt Nam đã “rũ bùn” đứng lên, thay đổi số phận, địa vị, từ nô lệ tiến lên làm chủ, từ làm tôi một nước quân chủ đến làm chủ một đất nước với mô hình nhà nước hiện đại. Thành quả dân chủ, thành quả nhân văn được tổng hòa trong bản Tuyên ngôn lịch sử đanh thép, khúc triết và gãy gọn.

Sau 1945, thực dân Pháp, tiếp đó là đế quốc Mỹ ồ ạt đem quân xâm lược Việt Nam, chia nước ta làm hai bờ Nam - Bắc. Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương những năm chống Mỹ trở thành mốc son nhưng cũng trở thành nỗi đau của dân tộc. Cuộc chiến lá cờ mà báo chí đã ghi lại tại Vĩ tuyến 17 là cuộc chiến mang ý nghĩa quan trọng về tinh thần, ý chí bảo vệ hồn thiêng. Lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ của máu, của tim, của ý chí nghìn năm dân tộc, khát vọng dân chủ, bởi vậy, lá cờ ấy phải bách chiến, bách thắng. Lá cờ ấy phải hướng tới miền Nam, nối Nam và Bắc thành một chỉnh thể như nó vốn có, nối trái tim và khát vọng tới miền Nam. Đó cũng là tâm nguyện của người miền Nam luôn dõi về miền Bắc. Điều đó được thể hiện linh thiêng, tha thiết trong tâm tình của người mẹ gửi nắm đất cho người con mang ra miền Bắc để gặp Cụ Hồ. Tác giả Xuân Miễn đã viết bài thơ Gói đất miền Nam vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong đó có những câu thơ chứa chan tình yêu Tổ quốc và khát vọng hòa hợp: Tiễn ra tận bến tàu/ Đưa con một gói đất nâu/ Vịn vai mẹ dặn: Con về Thủ đô/ Đem dâng Cụ Hồ/ Chút đất miền Nam/ Thưa, dù núi cắt sông ngăn/ Đồng bào Nam bộ vẫn gần bên Cha/ Tình yêu đất nước đậm đà/ Nam là của Bắc/ Bắc là của Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 2 dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: Bá Tân
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 2 dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: Bá Tân

Thế rồi, Tổ quốc tôi đi qua chiến tranh với những vết thương cắt lên thịt da đến hôm nay vẫn chưa lành. Trong bộn bề khốn khó, Đảng lãnh đạo nhân dân tái thiết đất nước sau đổ nát, hoang tàn. Giữa bối cảnh ấy, Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Để giữ bằng được mỗi tấc đất giang sơn, các chiến sĩ ta đã không quản ngại hy sinh, đáp trả mạnh mẽ những hành động vũ lực thô bạo, buộc Trung Quốc phải thu quân về nước. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc huy động tàu chiến, tàu hộ vệ pháo, tàu đổ bộ tấn công đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin - nơi lực lượng Hải quân Việt Nam đang chiếm giữ. Cuộc tấn công của Trung Quốc đã làm tàu HQ 604, HQ 605 chìm và 64 chiến sĩ hy sinh. Một lần nữa, cuộc chiến lá cờ nhằm khẳng định chủ quyền trên đảo diễn ra ác liệt. Trong tình cảnh tay không, cố giằng giữ cờ, khẳng định chủ quyền biển đảo, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu úy Trần Văn Phương anh dũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, anh đã hô to: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.

Sau sự kiện ấy, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 19 về bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1). Lữ đoàn 171 được giao nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ, khảo sát. Đến cuối năm 1990, 5 nhà giàn thế hệ đầu tiên đã được xây dựng. Nhớ lại thời điểm khảo sát xây dựng nhà giàn DK 1, ông Đặng Hữu Quý - nguyên Chủ nhiệm Thiết kế công trình nhà giàn DK1 bồi hồi: “Anh Ngô Thường San - Phó Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga

Vietsovpetro sau khi gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đào Đình Luyện đã gọi tôi lên đặt câu hỏi: Liệu có làm được nhà giàn DK1 ở Trường Sa không? Tôi nêu rõ chính kiến là việc xây dựng nhà giàn DK1 góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước nên anh cứ tin tưởng anh em, chắc chắn sẽ xây dựng được”. Từ đó đến nay, sau 25 năm, đã có hàng chục nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta. Sau 2 tháng trời, Tổ quốc như được đốt nóng bằng triệu triệu trái tim, khối óc giàu lòng tự tôn dân tộc. Một tấc đất, tấc biển không thể rời, Tổ quốc là chỉnh thể, chúng ta đã làm mọi cách để đấu tranh trong hòa bình buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển nước ta. Biển Đông nổi sóng, hàng triệu đồng bào ta ở nước ngoài đã tìm mọi cách hướng về quê hương, thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng, nhiệt thành. Họ không chỉ tổ chức tuần hành phản đối Trung Quốc mà còn tổ chức về quê hương, thả xuống biển Đông những vòng hoa trắng, tưởng nhớ những chiến sĩ ngã xuống tại Gạc Ma ngày nào. Sự trở về của những người con xa xứ lại thêm một lần nhắc nhớ đến buốt nhói, nóng hổi con tim về tinh thần dân tộc.

Cương vực là tiền đồ ngàn năm, lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hàng nghìn năm qua, người Việt nối tiếp nhau xây đắp nên cương vực và văn hiến, xây dựng đất nước Việt Nam với sự hội tụ nhiều yếu tố làm nên sức mạnh mềm. Đi qua thời gian, tạc vào trầm tích, mỗi người Việt Nam luôn mang trong mình tình yêu to lớn với Tổ quốc linh thiêng. Mỗi người Việt Nam dù ở đâu, làm gì, trong nước hay ở hải ngoại, luôn cất lên thiết tha trong lòng ba chữ Tổ quốc tôi như sở hữu cá nhân, khi thì Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, khi thì nóng bỏng, thổn thức Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây… (thơ Nguyễn Phan Quế Mai).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast