Tuyên ngôn độc lập với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(Baohatinh.vn) - Những ngày này cách đây 69 năm, cả nước tưng bừng chào đón mùa thu độc lập. Ngày 2/9/1945, trên lễ đài Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á...

Tranh cổ động của Huy Tùng
Tranh cổ động của Huy Tùng

Tuyên ngôn độc lập là một áng văn bất hủ, ở đó, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, khi Bác đọc lời thề: “Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ!” thì cả biển người đồng thanh hô vang: “Xin thề!”.

Từ mùa thu cách mạng cách đây 69 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài. Tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu làm nô lệ, nhân dân ta đã buộc phải tiến hành các cuộc kháng chiến gian khổ sau bao nhiêu hy sinh, bao lần thương thuyết và nhân nhượng không thành để giành lại độc lập, tự do.

Nước ta có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn gắn với khoảng 3.000 hòn đảo, biển đảo chứa nhiều tài nguyên và khoáng sản quý. Đây là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển bền vững của dân tộc ta. Biển cũng là hướng phòng thủ chiến lược của dân tộc Việt Nam. Lịch sử cho thấy, nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, vùng biển, đảo càng trở nên một hướng đặc biệt quan trọng, xung yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, QPAN của các vùng biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1975, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định lịch sử: giải phóng quần đảo Trường Sa, giữ vững thế đứng của Việt Nam trên biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta xác định rõ phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm QPAN, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thực tiễn gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã khẳng định, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, nhân dân và lực lượng vũ trang, kinh tế biển và ven biển nước ta có nhiều khởi sắc.

Người dân TP HCM xuống đường phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam
Người dân TP HCM xuống đường phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam

Trong việc bảo đảm QPAN, chúng ta đã kiềm chế được xung đột, giữ được lợi ích quốc gia, dân tộc trên phương diện tổng thể, giữ được môi trường hòa bình, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả chương trình biển Đông - hải đảo của Nhà nước đã góp phần tăng cường thế phòng thủ ở những địa bàn ven biển trọng yếu và trên tuyến đảo, nhất là thế đứng ở Trường Sa và biển Đông. Đó là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Tuy nhiên, không ít thế lực bên ngoài đang ngày đêm rình rập, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa qua, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam, toàn dân tộc lại cùng chung một lời nguyền sắt đá: quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đã không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm kiên trì đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, triệu triệu con tim của người dân nước Việt đã cùng một nhịp đập, dấy lên một làn sóng mạnh mẽ phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Ngày đêm, nhân dân Việt Nam hướng về biển Đông, nơi các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư đang làm hết sức mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích chính đáng của mình bởi chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, thực hiện đúng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Biển của ta rất giàu và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Thấm nhuần chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, Việt Nam luôn tôn trọng chủ quyền biển, đảo của các nước bạn và cũng sẽ làm hết sức mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Đất nước, con người Việt Nam thân thiện, đáng tin cậy, đã và đang nỗ lực góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông.

Ngày nay, những biến động về chính trị, kinh tế trong khu vực và trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng và có nhiều yếu tố khó lường. Việc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có nhiều thuận lợi lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức. Bất luận trong hoàn cảnh nào, lực lượng quân đội, cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam sẽ cùng toàn dân đồng tâm, nhất trí giữ trọn lời thề độc lập vang lên từ Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngọn gió lành từ mùa thu cách mạng và lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 69 năm trước đang dào dạt thổi khắp một dải non sông gấm vóc: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Đây cũng chính là tuyên ngôn của nhân dân ta, của Đảng và Nhà nước ta trước thế giới hôm nay!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast