Chính UAE đã tấn công mạng Qatar châm ngòi khủng hoảng vùng Vịnh

Các vụ tấn công nhằm vào truyền thông Qatar để đưa thông tin sai về Tiểu vương nước này đã khơi mào khủng hoảng ngoại giao với các nước Arab vùng Vịnh.

Tờ Washington Post ngày 16/7 dẫn lời quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho rằng, chính Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triển khai một chiến dịch tấn công mạng vào hàng loạt trang tin điện tử và trang mạng xã hội của Qatar hồi cuối tháng 5 vừa qua nhằm đăng những trích dẫn sai liên quan đến Tiểu vương nước này, khơi mào cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar – vùng Vịnh hiện nay.

chinh uae da tan cong mang qatar cham ngoi khung hoang vung vinh

Hãng thông tấn Qatar, một trong những cơ quan bị tấn công mạng hồi tháng 5. (Ảnh: Reuters)

Những thông tin sai sự thật này nói rằng, Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã ca ngợi Phong trào Hamas của Palestine và gọi Iran là một “cường quốc Hồi giáo”. Đáp lại, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và giao thông liên lạc với Qatar từ ngày 5/6, buộc tội vương quốc này hậu thuẫn “chủ nghĩa khủng bố”.

Qatar đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng chính các tin tặc đã đăng những tuyên bố giả là của Tiểu vương nước này. Tuy nhiên, các nước Arab vùng Vịnh không chấp nhận lời giải thích đó.

Hồi tháng 6, Qatar cũng cho biết nước này có bằng chứng rằng các vụ tấn công mạng vào các hãng thông tấn nhà nước và tài khoản mạng xã hội của chính phủ có liên hệ với các nước đang cắt đứt quan hệ ngoại giao với vương quốc này.

Nay tờ Washington Post của Mỹ cho biết, từ thông tin mới phân tích tuần trước, các quan chức tình báo nước này mới biết rằng, quan chức cấp cao của UAE đã thảo luận kế hoạch tấn công mạng vào ngày 23/5, một ngày trước khi xảy ra vụ việc. Theo quan chức giấu tên của Mỹ, hiện chưa rõ liệu chính phủ UAE tự tiến hành các vụ tấn công mạng hay trả tiền để một bên thứ ba tiến hành vụ tấn công này.

Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba ngay lập tức bác bỏ thông tin của Washington Post, cho rằng nó là “giả tạo”.

“Điều đúng sự thật ở đây là hành vi của Qatar”, Đại sứ Yousef al-Otaiba nói trong một thông cáo ngày 16/7. “Đó là tài trợ, ủng hộ và cho phép các phần tử cực đoan từ Taliban đến Hamas và Qadafi, kích động bạo lực, khuyến khích sự cực đoan hóa và làm suy yếu sự ổn định của các nước láng giềng”.

Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) được cho là đã hợp tác với Qatar điều tra vụ tấn công mạng hồi tháng 5 nhằm vào các website tin tức ở nước này.

Tuy nhiên, thông tin mà Washington Post đưa ra ngày 16/7 là mới và hiện Bộ ngoại giao Mỹ chưa có phản ứng chính thức về vấn đề này.

“Diễn biến này chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán sắp tới”, phóng viên kênh Al Jazeera tại Washington Heidi Zhou-Castro nhận định. “Có thể nó sẽ dẫn tới một động thái nào đó”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilerson hôm 13/7 trở về sau chuyến ngoại giao con thoi ở vùng Vịnh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chuyến thăm không đạt được kết quả đáng kể nào, trừ một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Qatar nhằm chống lại “chủ nghĩa khủng bố”.

Phóng viên của Al Jazeera nhận định thông tin mới mà Washington Post công bố, nếu đúng sự thật, có thể xoay chuyển toàn bộ cục diện cuộc thương thảo trong khu vực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Theo VOV

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.