Tại Việt Nam, ôtô gầm cao ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng vận hành linh hoạt, đặc biệt trong mùa mưa bão khi nhiều tuyến đường bị ngập, lụt.
Thời gian vừa qua, các biến thể MPV nâng gầm được ra mắt giúp người dùng với ngân sách 750-850 triệu đồng có thêm sự lựa chọn tại phân khúc này, bên cạnh những mẫu SUV đô thị.
Giá lăn bánh của những xe trong bài viết được tính dựa trên mức thu tại Hà Nội, nơi có tổng chi phí lăn bánh ôtô cao nhất. Các khoản phí tính theo đăng ký ôtô cá nhân.
Mitsubishi Xpander Cross
So với Xpander, nâng cấp đáng chú ý nhất của Mitsubishi Xpander Cross là khoảng sáng gầm tăng thêm 20 mm, đạt 225 mm. Nhờ vậy, xe đáp ứng được nhu cầu di chuyển trên nhiều loại địa hình, đường sá hơn.
Song song đó, ngoại thất của Xpander Cross cũng cho cảm giác cứng cáp hơn phiên bản tiêu chuẩn nhờ các chi tiết được bổ sung như ốp thân, ốp vòm bánh xe bằng nhựa đen, cản trước thiết kế hầm hố hơn và 2 thanh ba-ga nóc.
Giá bán hợp lý, không gian rộng rãi trong nhóm xe 7 chỗ cỡ nhỏ và thiết kế ngoại thất bắt mắt là những ưu điểm nổi bật của Mitsubishi Xpander Cross. Xe được trang bị động cơ xăng 1.5L, công suất 102 mã lực, mô-men xoắn 141 Nm, hộp số 4 AT và hệ dẫn động cầu trước.
Ford EcoSport 1.0L AT Titanium 2020
Ford EcoSport 2020 mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam, được xem như bản nâng cấp kịp thời và cần thiết để giúp EcoSport thêm sức cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc.
So với phiên bản cũ, Ford EcoSport 2020 nhỏ gọn hơn đôi chút do không còn lốp dự phòng gắn ngoài ở đuôi xe. Sự thay đổi này giúp EcoSport có vẻ ngoài đúng chất SUV đô thị hơn.
Với ngân sách 750-850 triệu đồng, người dùng có thể lựa chọn phiên bản Ford EcoSport 1.0AL AT Titanium cao nhất, có giá 686 triệu đồng. Xe được trang bị động cơ xăng tăng áp 1.0L EcoBoost, công suất 125 mã lực, mô-men xoắn 170 Nm và hộp số tự động 6 cấp.
Hyundai Kona 2.0 AT Đặc biệt và 1.6 Turbo
Hyundai Kona hiện vẫn là mẫu SUV đô thị bán chạy nhất năm 2020 tại Việt Nam. Tuy nhiên, với lượng xe bán ra ở mức cao ngay tại thời điểm ra mắt, Kia Seltos hứa hẹn sẽ cạnh tranh quyết liệt cùng Kona trong giai đoạn cuối năm.
Hyundai Kona có những ưu điểm như thiết kế trẻ trung, đi kèm lượng trang bị tiện nghi và an toàn đầy đủ. Trong tầm giá lăn bánh 750-850 triệu đồng, người dùng có thể chọn 2 phiên bản Kona cao nhất.
Trong đó, Kona 2.0 AT Đặc biệt được trang bị động cơ xăng 2.0L, công suất 147 mã lực, mô-men xoắn 180 Nm, hộp số 6 AT và hệ dẫn động cầu trước.
Phiên bản Kona 1.6 Turbo cao nhất sử dụng động cơ xăng tăng áp 1.6L, công suất 175 mã lực, mô-men xoắn 265 Nm, hộp số ly hợp kép 7 cấp và hệ dẫn động cầu trước.
Kia Seltos 1.4 DCT Premium
Với thiết kế hiện đại, bắt mắt, giá bán hợp lý và lượng trang bị tương đối đầy đủ, Kia Seltos đang trở thành tâm điểm của thị trường ôtô giai đoạn cuối năm. Người dùng liên tục phản ánh phải chờ đợi nhiều tháng để được nhận xe, cùng những tranh cãi xung quanh chất lượng lắp ráp.
Có khoảng giá trải rộng, vì vậy Kia Seltos là sự lựa chọn đáng chú ý tại nhiều phân khúc, bao gồm cả dưới 700 triệu đồng. Với ngân sách 750-850 triệu đồng, khách hàng có thể chọn phiên bản Seltos 1.4 DCT Premium cao nhất.
Kia Seltos 1.4 DCT Premium sử dụng động cơ tăng áp 1.4L, công suất 138 mã lực, mô-men xoắn 242 Nm và hộp số ly hợp kép 7 cấp, tương tự các phiên bản còn lại.
Sự khác biệt chủ yếu đến từ trang bị mà Seltos 1.4 DCT Premium có như cụm đèn trước và đèn hậu LED toàn bộ, ghế lái chỉnh điện, thông gió hàng ghế trước, đèn nội thất hay gương chiếu hậu chống chói.
Toyota Corolla Cross 1.8G
Bên cạnh Kia Seltos, Toyota Corolla Cross cũng là một mẫu xe gầm cao có doanh số khả quan ngay khi vừa ra mắt. Thuộc nhóm SUV đô thị, tuy nhiên Corolla Cross được định vị tiệm cận phân khúc C-SUV, với các mẫu xe như Hyundai Tucson hay Mazda CX-5.
Với giá lăn bánh 750-850 triệu đồng, người dùng có thể chọn phiên bản Corolla Cross 1.8G. Mặc dù là phiên bản thấp nhất, lượng trang bị của Corolla Cross 1.8G vẫn khá đầy đủ, đặc biệt về mặt an toàn. Khác biệt đến từ một số chi tiết ngoại thất, hệ thống đèn halogen hay màn hình giải trí nhỏ hơn.
Toyota Corolla Cross 1.8G được trang bị động cơ xăng 1.8L, công suất 103 mã lực, mô-men xoắn 172 Nm, hộp số CVT và hệ dẫn động cầu trước.
Chiếc SUV Trung Quốc BAIC Beijing X7 là mẫu ôtô gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Giống các mẫu xe đồng hương khác, Beijing X7 có lợi thế cạnh tranh đáng chú ý nhất là giá bán rẻ, đi kèm đầy đủ trang bị, công nghệ.
BAIC Beijing X7 1.5 Elite và 1.5 Premium
Thuộc nhóm SUV hạng C (Hyundai Tucson, Mazda CX-5), tuy nhiên Beijing X7 lại có giá ngang SUV đô thị. Nhờ vậy, xe nhận được nhiều sự chú ý từ phía người dùng.
Đồng thời, Beijing X7 cũng gặp phải vấn đề cố hữu của ôtô Trung Quốc tại Việt Nam - sự nghi ngại về chất lượng hoàn thiện, độ bền, khả năng giữ giá, hệ thống đại lý và chế độ hậu mãi.
Beijing X7 sử dụng động cơ tăng áp 1.5L, công suất 188 mã lực, mô-men xoắn 275 Nm và hộp số ly hợp kép 7 cấp.
Để lăn bánh tại Việt Nam, ôtô hiện chịu các loại phí bắt buộc bao gồm lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí sử dụng đường bộ và phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.Tại mọi địa phương, các loại phí đăng kiểm, sử dụng đường bộ và bảo hiểm trách nhiệm dân sự có chung một mức thu, dựa trên chủng loại, số chỗ ngồi và mục đích sử dụng (cá nhân, kinh doanh) của xe. Để lăn bánh tại Việt Nam, ôtô hiện chịu các loại phí bắt buộc bao gồm lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí sử dụng đường bộ và phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Mức thu lệ phí trước bạ và phí đăng ký biển số thay đổi tùy theo địa phương. |