Ô nhiễm không khí ở Jakarta. (Ảnh: AFP)
Ô nhiễm không khí ở Jakarta vẫn ở mức độ bất lợi cho sức khỏe trong nhiều tuần qua bất chấp những nỗ lực quyết liệt để giảm thiểu ùn tắc giao thông như quy định ngày lưu thông xe biển số chẵn lẻ (xe mang biển số lẻ sẽ bị cấm lưu thông trong ngày chẵn và ngược lại) và đóng cửa một số trạm thu phí, trường học.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được ở Jakarta hôm nay (17/8) là 107 - mức gây ảnh hưởng xấu đến những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí hoặc có vấn đề về hô hấp.
Trong những lần đo đạc trước đó trong tháng này, chỉ số AQI ở Jakarta thường xuyên dao động quanh mức 150. Mức AQI trên 300 được xem là nguy hiểm.
Khoảng 16.000 vận động viên và quan chức từ 45 quốc gia châu Á sẽ đến Indonesia tham gia ASIAD 2018. Bên cạnh đó không thể không kể đến các cổ động viên cuồng nhiệt, những người đang đổ xô đến Jakarta và Palembang - thành phố ở Nam Sumatra, đồng chủ trì tổ chức sự kiện thể thao lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Thế vận hội.
Các vận động viên thi đấu ở 464 nội dung thuộc 67 môn và phân môn. Đối với các môn và phân môn thi đấu trong nhà, các vận động viên chỉ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác đối với các môn thể thao bên ngoài như điền kinh, bắn cung, bóng chày, bóng mềm..., Budi Haryanto - chuyên gia về sức khỏe môi trường tại Đại học Indonesia - cho biết.
Thi đấu trong một bầu không khí đầy bụi bẩn sẽ hạn chế các vận động viên thể hiện tốt nhất năng lực của mình, ông Haryanto nói. Cộng thêm nhiệt độ trung bình vào ban ngày của Jakarta là 31 độ C gây không ít khó khăn cho các vận động viên.
Vận động viên đi bộ Hendro Yap, 17 tuổi, người Indonesia cũng tỏ ra lo lắng. Yap đến từ Yogyakarta - cố đô của người Java cổ tại Indonesia. Nơi đây có khí hậu mát mẻ hơn và ít ô nhiễm hơn Jakarta.
Yap đã phá kỷ lục ở nội dung 20 km đi bộ nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á 2017 (SEA Games 29) được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn AFP mới đây, vận đông viên này bày tỏ anh xem việc thi đấu ở Jakarta là một thách thức. “Đối với (những người) đã quen chạy ở Jakarta... nó có thể sẽ dễ dàng hơn đôi chút. Tuy nhiên vẫn rất khó. Bạn sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn. Hơn nữa không khí ở Jakarta rất ô nhiễm... rất khó để thi đấu”, Yap nói.
Nhưng để tìm ra phương án hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Jakarta không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Jakarta là một đô thị lớn với 10 triệu dân trong nội đô và khoảng 30 triệu ở vùng ven. Có khoảng 18 triệu ôtô đang lưu thông trên những con đường ở thành phố và số lượng xe vẫn không ngừng tăng lên mỗi năm. Phần lớn ô nhiễm không khí của Jakarta là do khí thải xe.
Các chuyên gia môi trường nhận định rất ít hy vọng rằng bầu không khí ở Jakarta sẽ bớt ô nhiễm hơn trong 2 tuần diễn ra ASIAD.
ông Hindun Mulaika, Trưởng nhóm chiến dịch khí hậu và năng lượng của Greenpeace Đông Nam Á - Indonesia cho biết: “Thật khó để tìm ra giải pháp bởi chìa khóa nằm ở việc điều chỉnh lượng khí thải phát ra. Chính phủ vẫn cho rằng đây hoàn toàn là một vấn đề giao thông”.
Trong khi đó, tình trạng cháy rừng diễn ra hàng năm trên đảo Sumatra cũng đe dọa gây ra ô nhiễm không khí tại Palembang.
Tương tự như Indonesia, nhiều nước khác cũng đã phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí khi đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thành công khi áp dụng các biện pháp quyết liệt, trong đó có việc tạm thời đóng cửa các nhà máy để giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thế vận hội năm 2008.