Chủ tịch Quốc hội lo có hiện tượng “chạy”... sách giáo khoa!

“Không thể phê phán ban soạn thảo luật Giáo dục sửa đổi và Chính phủ thoát ly định hướng, chỉ đạo nhưng làm thế nào phải phù hợp thực tế. Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Sách giáo khoa là nội dung nổi lên với nhiều tranh luận tại phiên thảo luận về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 12/3.

Chủ tịch Quốc hội lo có hiện tượng “chạy”... sách giáo khoa!

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mối quan tâm lớn về vấn đề sách giáo khoa.

Làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày nêu một vấn đề các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ là về đề nghị chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất, xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

Với quy định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm thống nhất trong toàn quốc, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 của Quốc hội khoá 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng GD-ĐT ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Dự thảo luật cũng quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31) và Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104).

Đồng thời dự thảo luật cũng quy định, Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa (Khoản 3 Điều 31). Với lý do đó, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo luật về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 31 dự thảo luật quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”.

Chủ tịch Quốc hội: Băn khoăn lớn nhất là sách giáo khoa

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến ý kiến về quy định về sách giáo khoa “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục lựa chọn trên cơ sở tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh và phụ huynh”.

Ông Chiến phân tích, Nghị quyết 29 của Trung ương đã nêu định hướng “biên soạn thêm sách giáo khoa hỗ trợ việc học và phải phù hợp với từng đối tượng người học”. Theo ông Chiến, định hướng đó không có nghĩa bậc học nào (từ mầm non tới tiểu học, trung học) cũng cần biên soạn nhiều hộ sách. Còn Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc đổi mới giáo dục thì nêu rõ “Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thống nhất”.

“Nói như vậy thì dự luật không quán triệt đầy đủ tinh thần nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 cũng như đòi hỏi của dư luận xã hội là làm một bộ sách giáo khoa thống nhất” – ông Chiến bình luận.

Chia sẻ ý kiến của ông Chiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, băn khoăn lớn nhất của bà về luật này là về sách giáo khoa.

“Nghị quyết 88 nêu rõ định hướng “thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa. Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Nghị quyết 29 của Trung ương thì không nói cụ thể như vậy. Không thể phê phán ban soạn thảo và Chính phủ thoát lý Nghị quyết, định hướng nhưng làm thế nào phải phù hợp thực tế. Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, hiện tại, cả nước vẫn đang có một bộ sách giáo khoa thống nhất cho các cấp học. Theo lộ trình thì từ 2020 trở đi, từ cấp tiểu học sẽ bắt đầu có những bộ sách giáo khoa mới. Tranh luận về việc có một hay nhiều bộ sách giáo khoa là nằm ở đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội trấn an, sách giáo khoa có thể do các tác giả/nhóm tác giả khác nhau biên soạn, có nội dung đề cập phù hợp với từng hoàn cảnh, từng địa phương, từng đối tượng… nhưng dù sao vẫn phải được Bộ GD-ĐT thẩm định và khi sách được phát hành thì trách nhiệm vẫn là thuộc Bộ GD-ĐT.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhấn mạnh, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng dự luật đến nay vẫn chưa thể hiện trách nhiệm của Bộ Gáo dục với việc làm bộ sách “chuẩn” này.

Ông Lưu cũng xác nhận, đúng là khi thảo luận để ban hành Nghị quyết 88, các cơ quan có đề cập tới việc xã hội hoá trong công tác biên soạn, phát hành sách giáo khoa nhưng vẫn nhất quán tinh thần Bộ GD-ĐT làm bộ sách chuẩn, sau đó thì tổ chức quản lý để đảm bảo bình đẳng, công bằng với các chủ thể biên soạn sách giáo khoa khác. Tiếc là từ đó tới nay vẫn chưa có được kinh nghiệm vận hành nhiều bộ sách giáo khoa như mong muốn.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.