Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Các đơn vị phải báo cáo tiến độ giải ngân 2 lần/tháng

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đề nghị các đơn vị, địa phương xem việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thực hiện việc giải ngân theo đúng tiến độ.

Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Cùng dự có: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh

Giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 33,9% kế hoạch

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch covid-19 như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp, Việt Nam đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. Do đó, hội nghị nhằm tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến ì ạch, chậm giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thảo luận, “đưa ra những chế tài nào đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm” trong vấn đề chậm giải ngân; nêu ra những kinh nghiệm tốt của từng địa phương; tìm ra những biện pháp khả thi để thực hiện mục tiêu giải ngân năm nay.

Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị nêu ra các vướng mắc về thể chế pháp luật, “điều nào, điểm nào, nghị định nào, mâu thuẫn giữa luật, nghị định nào để Trung ương giải quyết”. Hội nghị phải giải quyết cho được “3 cái đọng”. Thứ nhất là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.

Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua là 470.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 52/53 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới. Tuy vậy, hiện mới có 35 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho các dự án để giải ngân vốn.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 443.195,829 tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh vốn đầu tư công, song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.

Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Tiền Giang, Thái Bình, Hưng Yên, Đồng Nai, Đà Nẵng; lãnh đạo: Bộ NN&PTNT, Bộ GT&VT, Bộ GD%&ĐT, Bộ Tài chính... đã báo cáo tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị, địa phương và nêu các giải pháp, kiến nghị để đẩy mạnh giải ngân vốn từ nay đến cuối năm.

Từ ý kiến của địa phương và bộ, ngành, các Phó Thủ tướng cũng đã nêu ra các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện giải ngân.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giải ngân năm nay có tốt hơn năm trước, tuy nhiên, so với số vốn được giải ngân thì vẫn còn tình trạng trì trệ, chậm chạp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn để đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể, phải phát động phong trào yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân, học tập trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.

Từ đầu tháng 8, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện điều chuyển vốn để tập trung cho những công trình, dự án có thể giải ngân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh, đưa ra giải pháp cần thiết, đặc biệt đối với những tỉnh, thành giải ngân chậm. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm và theo dõi các dự án đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu công khai minh bạch, biểu dương những ngành địa phương làm tốt, phê bình những đơn vị làm không tốt để đánh giá, kiên quyết xử lý những bộ phận, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đề nghị các đơn vị, địa phương quán triệt tinh thần theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng giao Sở KH&ĐT Hà Tĩnh tham mưu tỉnh ban hành chương trình hành động cụ thể, trong đó có một số nội dung như: phát động phong trào thi đua, liên quan đến việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND kiểm tra trực tiếp các địa phương, đơn vị, các ban quản lý dự án để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư xã hội.

Các đơn vị, ngành cụ thể, các ban quản lý dự án ban hành kế hoạch đầu tư cụ thể cho từng dự án để thực hiện, phân công lãnh đạo trong ban quản lý dự án phụ trách từng dự án để cuối năm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Sở KH&ĐT phối hợp Sở Tài chính thực hiện nghiêm túc văn bản của UBND tỉnh vừa ban hành, yêu cầu các đơn vị báo cáo tiến độ giải ngân 2 lần/tháng nhằm xác định những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Văn phòng UBND tỉnh có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã đôn đốc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Tại Hà Tĩnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 là 6.546,199 tỷ đồng. Trong đó, vốn do địa phương quản lý 5.786,668 tỷ đồng; vốn trung ương đầu tư trên địa bàn 759,531 tỷ đồng.

Tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.753,723 tỷ đồng; bằng 42% kế hoạch, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn do địa phương quản lý giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 2.628,673 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch. Nguồn vốn trung ương đầu tư trên địa bàn đang có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm tương đối chậm, đạt 125,050 tỷ đồng (bằng 16% kế hoạch).

Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp, nguyên nhân khách quan là do vướng mắc về các quy định pháp luật, do ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế - xã hội bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện; còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; một số đơn vị, địa phương chưa chủ động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói