Sắn trước đây là một trong những loại cây trồng khá quen thuộc với bà con nông dân huyện Đức Thọ. Tuy nhiên, qua thời gian, giá trị của củ sắn không ổn định nên hầu hết bà con không còn mặn mà sản xuất. Nhằm khôi phục lại giống cây trồng địa phương, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, huyện Đức Thọ đã liên kết với Công ty CP Nông thủy sản Nghệ An xây dựng mô hình sản xuất 100 ha thử nghiệm trồng sắn nguyên liệu.
Tại Liên Minh, xã quy hoạch 7,5 ha sản xuất tập trung trồng sắn liên kết. Gia đình bà Trần Thị Vinh, thôn Yên Mỹ là một trong những hộ tham gia liên kết trồng sắn nguyên liệu với doanh nghiệp trên diện tích 3 ha.
Bà Vinh chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi đã trồng sắn, tuy nhiên chỉ mới sản xuất theo phương thức truyền thống, diện tích ít, giống địa phương. Vì thế đầu ra và giá cả không ổn định. Năm nay tham gia mô hình liên kết với Công ty CP Nông thủy sản Nghệ An, chúng tôi hy vọng sẽ cho hiệu quả tốt hơn".
Tại xã Hòa Lạc, tham gia mô hình liên kết, xã bố trí 15 ha với giống KM94. Ông Trần Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho biết: "Sắn là cây trồng truyền thống tại địa phương vì thế bà con không mất quá nhiều thời gian làm quen và khá thuần thục thực hiện kỹ thuật trồng. Sau khi ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Nông thủy sản Nghệ An để cung ứng giống và phân bón, bà con nông dân đã tranh thủ thời vụ, làm đất xuống giống kịp thời".
Chị Phạm Thị Bình, thôn Đông Xá, xã Hòa Lạc cho biết: "Gia đình tôi có 1ha diện tích đất vườn đồi, trước đây chủ yếu trồng chè và cây ăn quả nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tham gia liên kết, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng sắn nguyên liệu với hi vọng đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn bộ diện tích sẽ được phủ ni lông sau khi xuống giống, đảm bảo né tránh thời tiết xấu trong vụ đông, giúp cây nảy mầm và phát triển đồng đều hơn".
Mô hình trồng sắn nguyên liệu liên kết với Công ty CP Nông thủy sản Nghệ An được thực hiện theo quy trình khép kín. Doanh nghiệp cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Điều này giúp nông dân không chỉ có đầu ra ổn định mà còn được hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm sắn cuối vụ.
Mô hình liên kết còn giúp thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất. Bà con sẽ có những kiến thức mới về kỹ thuật canh tác bền vững, phương pháp bảo vệ môi trường và cách sử dụng phân bón hợp lý. Dự kiến, cây sẽ cho thu hoạch sau 9 tháng xuống giống, 100% diện tích liên kết đều sử dụng giống sắn cao sản KM94.
Ông Hà Quang Thăng - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: Mô hình được triển khai tập trung ở các xã có diện tích ruộng cao cưỡng và đồi núi như: An Dũng, Hòa Lạc, Đức Đồng, Đức Lạng...
Mục tiêu của mô hình nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng năng suất và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác nông nghiệp; từ đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân. Đối với đơn vị liên kết, ngoài hỗ trợ giống, phân bón, ni lông, chi phí công làm đất, công ty còn hỗ trợ chính sách trả chậm các vật tư và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Theo tính toán, 1 ha trồng sắn cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng".