Theo tờ Business Insider (Mỹ), bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng toàn thế giới, khiến trên 145.000 người mắc bệnh và trên 5.430 người tử vong tại hơn 145 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính tới sáng 14/3). Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Anh ngày 4/12/2019. Ảnh: AP
Khả năng một lãnh đạo thế giới chẳng may mắc bệnh không phải là điều không thể xảy ra.
Phu nhân của Thủ tướng Canada là bà Sophie Gregoire Trudeau đã nói trong một thông báo ngày 12/3 là bà xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà sẽ cách ly ở nhà để tránh lây nhiễm.
Thủ tướng Trudeau cho biết ông chưa cảm thấy có biểu hiện nào của việc nhiễm virus, song cũng đã tự cách ly. Tới ngày 12/3, sức khỏe của ông Trudeau bình thường, không có triệu chứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể đã tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2.
Phó Tổng thống Mỹ Pence (giữa) chào theo kiểu chạm khuỷu tay để tránh lây nhiễm virus. Ảnh: Getty Image
Một người có mặt tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) mà Tổng thống Trump cùng Phó Tổng thống Mike Pence tham dự cũng đã mắc bệnh COVID-19. Tổng thống Trump còn tiếp xúc với ông Fabio Wajngarten, Thư ký báo chí của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ông Wajngarten sau đó có kết quả xét nghiệm nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhà Trắng ra tuyên bố ngày 13/3 nói rằng cả ông Trump và Pence đều hoàn toàn không có biểu hiện mắc bệnh và không cần xét nghiệm vì họ gần như không tương tác với ông Wajngarten. Dù vậy, vẫn có một số bức ảnh cho thấy họ đứng rất gần nhau, bắt tay và chụp ảnh cùng nhau.
Kế hoạch khẩn khi lãnh đạo mắc COVID-19 là cần thiết
Tổng thống Brazil Bolsonaro đã làm xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ảnh: Business Insider
Các chuyên gia cho rằng mỗi nước có thể cần chuẩn bị sẵn kế hoạch để thực hiện khi lãnh đạo, với vai trò đặc biệt là người điều hành quốc gia, chẳng may nhiễm bệnh như COVID-19.
Theo bà Ann Keller, Phó giáo sư chính sách và chính trị về y tế thuộc Đại học California tại Berkeley, thường có chuỗi mệnh lệnh có sẵn trong trường hợp lãnh đạo đất nước bị ốm và ảnh hưởng tới việc điều hành đất nước.
Bà nói: “Việc lãnh đạo 1 quốc gia phải xuyên suốt và không nên có khoảng trống”. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi có sẵn chuỗi mệnh lệnh, bản chất đặc biệt của loại virus SARS-CoV-2 này có thể thay đổi cách thực hiện các trách nhiệm lãnh đạo.
Bà Eugene Bardach, Giáo sư danh dự tại Trường Chính sách công Goldman thuộc Đại học California tại Berkeley nói: “Qui định là một chuyện, còn thực hiện lại có những khó khăn riêng. Họ phải đưa ra những phán quyết khó khăn, nhạy cảm”.
Tiền lệ lãnh đạo thế giới lâm bệnh
Thứ trưởng Y tế Iran (trái) có triệu chứng bệnh. Ảnh: Getty Images
Với dịch bệnh COVID-19 hiện nay, rõ ràng không nên loại trừ hoàn toàn khả năng các lãnh đạo thế giới như ông Trump và ông Trudeau không mắc bệnh. Thế giới từng chứng kiến những tiền lệ như thế.
Sue Horton, Giáo sư kinh tế y tế tại Đại học Waterloo ở Ontario, nói: “Việc lãnh đạo thế giới ốm, thậm chí tử vong, khi tại nhiệm là điều đã từng xảy ra. Có nhiều ví dụ về việc nguyên thủ quốc gia cần chăm sóc y tế đặc biệt, công khai thông tin và tiếp tục vai trò họ đảm nhiệm”.
Năm 1955, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight Eisenhower đã bị đau tim nặng khi tại nhiệm và cần nhập viện nhiều lần. Cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterland cũng mắc ung thư tuyến tiền liệt khi tại nhiệm tới năm 1995.
Trong dịch bệnh hiện nay, Thứ trưởng Y tế Iran và Anh cũng đã mắc COVID-19.
Mặc dù tình huống này đã xảy ra trước đây nhưng thế giới chưa từng đối mặt với kịch bản nhiều lãnh đạo thế giới cùng nhiễm bệnh một lúc khi đại dịch xảy ra. Bà Keller nói: “Tôi nghĩ trường hợp này có thể khác. Trong phần lớn trường hợp mà nguyên thủ quốc gia mắc bệnh trước đây, họ không ở trong giai đoạn đất nước đang đối mặt với một đại dịch toàn cầu. Do đó, tình hình hiện nay có phần phức tạp hơn”.
Tác động xã hội và kinh tế toàn cầu
Một nhà giao dịch dùng nước sát khuẩn tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 12/3. Ảnh: AP
Các chuyên gia cho rằng việc lãnh đạo thế giới ốm có thể gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế và xã hội. Họ đã dự báo một số hậu quả kinh tế lớn do virus Corona gây ra nếu nó tiếp tục lan rộng.
Đại học Quốc gia Australia dự đoán GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 2.400 tỷ USD nếu dịch bệnh SARS-CoV-2 có mức độ nghiêm trọng thấp. Trong trường hợp xấu nhất, GDP toàn cầu sẽ mất tới 9.000 tỷ USD.
Bà Keller giải thích: “Thị trường không thích sự bất ổn. Nên nếu nguyên thủ quốc gia ốm và không thể thực hiện nhiệm vụ, điều đó có thể tạo rất nhiều bất ổn”. Giáo sư Horton cũng đồng ý với quan điểm trên nhưng cho rằng ảnh hưởng sẽ không kéo dài.
Phản ứng xã hội trước tin lãnh đạo mắc bệnh có thể khác nhau. Theo bà Keller, có thể tin tức đó sẽ làm người dân mất tinh thần hoặc cho thấy đại dịch này nghiêm trọng thế nào với những người đang tìm cách giảm thiểu tác động của bệnh dịch. Nếu nguyên thủ quốc gia mắc bệnh và hồi phục, điều đó có thể giúp người dân bớt sợ hãi và ngược lại.