Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ góp phần để TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(Baohatinh.vn) - Đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ góp phần thu hút đầu tư, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng địa phương này thành trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT - XH và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Mức giảm thuế năm 2022 sẽ gấp 3 lần 2021

Tại phiên làm việc chiều 7/1, đã có thêm nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từ điểm cầu các địa phương và từ hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (gọi tắt: Chương trình).

Sau khi nghe ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình thêm về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh VTV.vn

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022, dự kiến sẽ giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021. Năm 2022, chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc giảm 2% thuế VAT là nhỏ, cần giảm đến 5%, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, áp dụng năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10% trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản. Mức giảm thuế 2% sẽ giúp giảm 49.400 tỉ đồng. Trường hợp giảm thuế lớn hơn sẽ gây áp lực áp lực, mất cân đối ngân sách.

Về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng để có thêm nguồn lực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng dư địa chính sách tiền tệ trong Chương trình phục hồi kinh tế này là ít, chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa. Vì vậy, khi đưa tiền ra theo chính sách tài khóa thì Chính phủ đã cân nhắc kỹ để đảm bảo linh hoạt chính sách tiền tệ. Mục tiêu là đảm bảo chương trình thực hiện thành công.

Về việc giảm lãi suất, bà Hồng cho biết hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất. Năm 2021 giảm mặt bằng chung khoảng 0,8%, năm 2022 giảm 1%. Ngân hàng Nhà nước cũng vận động, khuyến khích miễn giảm lãi vay và phí. Số tiền giảm đã lên đến gần 40.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh VTC

Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH là chưa từng có tiền lệ. Do đó, Chính phủ đã nghiên cứu rất bài bản dựa trên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện Chương trình là nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề với hệ thống chính trị, cần nỗ lực rất lớn. Để làm tốt việc này, ĐBQH cần phát huy vai trò, giám sát các chính sách tài khóa và tiền tệ ngay tại địa phương mình. Đặc biệt, Chính phủ sẽ huy động ngay từ đầu Kiểm toán Nhà nước để chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội.

Cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững

Theo dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ của Chính phủ, TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách TP Cần Thơ được hưởng theo phân cấp.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ chiều 7/1. Ảnh Quochoi.vn

Về quy hoạch, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.

Về việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, các dự án bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo quy định.

Ngày 6/1, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Đã có 79 lượt ý kiến thảo luận của các ĐBQH. Đa số các đại biểu đều thống nhất ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Nghị quyết khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống người dân trong vùng, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Một số ý kiến cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia.

Kết quả thí điểm hiệu quả sẽ được tổng kết, đánh giá để đưa thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước và từ đó tiếp tục điều chỉnh quy định của pháp luật lên chuẩn cao hơn nữa. Các cơ chế, chính sách đặc thù trong Dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, minh bạch và chặt chẽ.

Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện đối với các địa phương hiện đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội ban hành trước khi ban hành Nghị quyết thí điểm, cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói