Sinh năm 1967 và lớn lên ở tỉnh Hòa Bình nhưng quê gốc của chị Anh lại ở Cẩm Quang (Cẩm Xuyên). Năm 1989, chị tốt nghiệp trung cấp y tế, cũng là thời điểm bố chị về hưu và đưa gia đình về quê sinh sống.
Chị Anh nhớ lại: “Về quê, mình vào làm ở bệnh viện huyện. Hồi ấy, mình tốt nghiệp y sỹ nhưng được phân công công việc y tá, lại tham gia vào kíp mổ nên rất lo. Nhưng rồi, được các anh, chị đi trước kèm cặp, động viên nên mình quen dần”.
Điều dưỡng Hoàng Thúy Anh chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu.
Làm nghề y vất vả, nhất là phụ nữ, nhiều lúc chị cũng chạnh lòng. Có đêm giao thừa, chị được gọi lên bệnh viện phụ mổ, khi trở về nhà thì thấy chồng vừa thắp hương gia tiên, vừa phải chạy tới chạy lui ru con ngủ. Hồi ấy, con chị mới được 10 tháng tuổi. Chị đã rơi nước mắt vì nghĩ thương chồng, thương con. Là những người đứng sau thành công của những ca mổ nên chuyện “hết giờ chưa hết việc” cũng trở nên thường tình, nhất là những lúc gặp bệnh nhân nặng, chị luôn phải ở lại phòng mổ chờ cho đến lúc họ ổn định mới được chuyển về hậu phẫu.
Nhiều lúc mang nỗi niềm vì thương chồng, con nhưng chị đã vượt lên tất cả với niềm vui của người thầy thuốc. Chị Anh trải lòng, cũng có lúc không kìm được lòng vì bệnh nhân bị quá nặng, không còn khả năng cứu chữa. Niềm vui lớn nhất của chị và đội ngũ thầy thuốc là khi bệnh nhân khỏe mạnh trở về với gia đình. Vui hơn nữa là đi đâu cũng thấy được người ta chào hỏi rất niềm nở, kính trọng dẫu cho nhiều người mình không còn nhớ họ là ai. Mình chỉ là phụ mổ thôi nhưng có hôm đi chợ cũng có người dắt con lại rồi cười nói: “Bác ơi, thằng hồi bác mổ đẻ dừ học đại học ra trường đây rồi nì”...
Không chỉ tận tình, niềm nở chăm sóc bệnh nhân, chị Anh còn đam mê với những sáng kiến khoa học. Cách đây 7 năm, chị đạt giải ba cuộc thi Sáng kiến khoa học kỹ thuật của huyện về đề tài “Gạc tẩm dầu parafin trong thay băng cho bệnh nhân”.
Hồi ấy, thay băng cho bệnh nhân ở bệnh viện, người điều dưỡng thường phải dùng dung dịch natri thấm ướt băng cũ rồi gỡ. Với phương pháp này, gây đau đớn và làm cho nhiều bệnh nhân bị chảy máu. Từ trăn trở đó, chị Anh đã tìm hiểu về dầu parafin, thường sử dụng trong xông tiểu và xông dạ dày thì thấy có tác dụng làm mềm da và tái tạo da nhanh, thế là chị bắt tay vào nghiên cứu ứng dụng. Từ đó đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên áp dụng sáng kiến này vào việc thay băng cho bệnh nhân, giảm tổn thương và đau đớn cho họ.
Gần đây, chị Anh lại thành công trong đề tài chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đạt giải nhì huyện và giải ba tỉnh cuộc thi Sáng kiến khoa học kỹ thuật. Từ thực tiễn tại phòng mổ, chị thấy hộp đựng bông băng còn những bất tiện. Khi mở nắp hộp một lần lấy nhiều, nếu sử dụng không hết thì sau đó phải đưa đi hấp lại; nếu lấy ít, dùng thiếu thì buộc phải lấy tay tháo nắp đậy để lấy tiếp. Như vậy, sẽ tạo những nguy cơ nhiễm khuẩn. Chị đã nghĩ ra giải pháp mở nắp thông qua bàn đạp.
“Khi đã chọn nghề rồi thì phải trau nghề. Mình không có điều kiện để học đại học nhưng có đam mê thì mọi cố gắng sẽ được đền đáp. Mình muốn gửi thông điệp này tới những đứa con cũng như các đồng nghiệp. Mình luôn thấy vui và tự hào về nghề của mình” - chị Anh chia sẻ.