Thế nhưng, do sự non kém của cơ quan thi hành án, sự chây ỳ của đối tượng thua kiện nên sau gần 4 năm, bản án vẫn chưa được thực hiện, công lý chưa được thực thi…
Theo phản ánh, tại các phiên tòa, để bảo vệ quyền lợi của mình, đại diện của nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh (Công ty Cao su) đã cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan để chứng minh nguồn gốc và quyền sử dụng hợp pháp của mình tại 7 ha ở lô 17, khoảnh 6, tiểu khu 200 (thuộc xã Hương Giang). Về phía mình, ông Lê Hữu Chí chỉ xuất trình một văn bản duy nhất là đơn xin nhận đất rừng vào ngày 30/7/1992, có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Hương Giang thời kỳ đó.
Việc xử lý tranh chấp đất rừng tại Hương Khê không hiệu quả khiến tình trạng lấn chiếm vẫn xẩy ra |
Tuy nhiên, qua xem xét, tòa án các cấp cho rằng, đơn ông Chí không có giá trị pháp lý chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp đối với vùng đất đang tranh chấp. Việc ông cho rằng, số diện tích này thuộc về gia đình mình là không có căn cứ và không được tòa chấp nhận. Hành vi cản trở doanh nghiệp vào san ủi mặt bằng và tự ý đào hố trồng keo tại vùng đất trên của gia đình ông là lấn chiếm đất sản xuất trái phép, xâm phạm quyền sử dụng đất của Công ty Cao su. Do vậy, tòa án đã quyết định buộc gia đình ông Lê Hữu Chí phải trả lại toàn bộ mặt bằng diện tích đang tranh chấp, chịu án phí; đồng ý sự tự nguyện hỗ trợ 25 triệu đồng chi phí dọn cây của doanh nghiệp đối với bị đơn…
Thế nhưng, sau 4 năm bản án của tòa phúc thẩm có hiệu lực nhưng gia đình ông Chí vẫn không tự nguyện thực thi phán quyết của tòa, từ chối nhận tiền hỗ trợ và không giao trả mặt bằng cho doanh nghiệp. Thay vào đó, gia đình ông tiếp tục mang đơn đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương, dù tất cả các địa chỉ ông đến đều khẳng định không có căn cứ để xử lý. Do vậy, toàn bộ diện tích tranh chấp, gia đình ông Chí vẫn đang sử dụng bất hợp pháp, số keo từ chỗ mới trồng được 1-2 năm, nay đã gần thu hoạch vẫn thuộc quyền kiểm soát của người thua kiện.
Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua, ông Chí đã nhiều lần có các hành vi đe dọa, chống đối, cản trở những người thực thi pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác trong các buổi làm việc với các cơ quan chức năng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị thắng kiện…
Có thể khẳng định, để tình trạng này xẩy ra, trách nhiệm phần lớn thuộc về Chi cục Thi hành án huyện Hương Khê. Với trách nhiệm và quyền hạn được giao, lẽ ra, cơ quan thi hành án phải chủ động xử lý ngay để ổn định tình hình, tránh những tình tiết phức tạp phát sinh và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, cơ quan này lại chần chừ, thậm chí, có dấu hiệu né tránh.
Để chống chế cho việc chậm trễ này, Chi cục trưởng Trần Văn Duẩn còn “nại” ra nhiều lý do khác, như: “Bản án không được thi hành không phải do lỗi của cơ quan thi hành án huyện mà do Tòa án Tối cao; mặt khác, chúng tôi phải căn cứ, xem xét vào một số giấy tờ do ông Chí cung cấp”.
Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự Hương Khê trình bày kế hoạch cưỡng chế thi hành án với chi phí "khủng" và nêu ra nhiều khó khăn, trở ngại... |
Thế nhưng, khi được hỏi: “Với vụ việc này, Tòa án Tối cao có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án hay không? Vì sao cơ quan thi hành án huyện lại không căn cứ vào bản án để thi hành mà dựa vào các tài liệu phát sinh trong quá trình tranh chấp do ông Chí cung cấp để hoãn thi hành án?”, thì được ông Duẩn thản nhiên trả lời: “Tòa Tối cao không yêu cầu hoãn thi hành án nhưng họ gửi công văn về thông báo đã nhận được một số giấy tờ do ông Chí cung cấp” và tiếp tục chống chế: “Đáng lẽ, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thì nên thi hành án nhưng chúng tôi chờ để đảm bảo quyền lợi cho đương sự và để thi hành án đạt kết quả tốt hơn…(!?)”.
Lúc dễ thi hành thì “đủng đỉnh”, đến lúc tranh chấp kéo dài, cây cối đã lớn, chi phí thực hiện tăng lên nhiều, lại kêu khó. Đặc biệt, trong báo cáo gửi UBND huyện Hương Khê về việc chuẩn bị cưỡng chế thi hành án ngày 18/3/2015 do ông Duẩn ký có những điểm bất thường. Theo đó, cơ quan thi hành án đã lấy cớ ông Chí nhiều lần dọa sử dụng mìn, vũ khí để chống trả nên cơ quan này đã dự trù kinh phí lên tới 500 triệu đồng.
Ngoài ra, để chứng minh khó khăn về chi phí gây ảnh hưởng đến cưỡng chế, cơ quan này đã nêu ra tài sản hạn chế của gia đình ông Chí và có các tính toán cụ thể như: khi bán toàn bộ keo thu được 250 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh cho tạm ứng 100 triệu đồng (phải hoàn ứng sau 2 tháng) và 30 triệu đồng ngân sách phân bổ hàng năm...
Thế nhưng, theo ý kiến của một số người trong cuộc thì việc thi hành án phải bám vào quyết định của tòa, chứ không thể tham mưu, đề xuất hay báo cáo với UBND huyện theo hướng xử lý như văn bản trên. Qua văn bản này, dư luận cho rằng, chuyện tiền nong chỉ là “cái cớ để gây khó” của cơ quan thi hành án nhằm giúp họ tiếp tục dây dưa, trốn tránh trách nhiệm của mình. Họ cũng khẳng định, nếu thi hành ngay sau khi bản án có hiệu lực thì chỉ hết vài chục triệu đồng, nhưng nay, phức tạp hơn nên cần đến gần vài trăm triệu đồng…
Đã đến lúc quyết định của tòa án phải được thực thi, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp phải được bảo vệ. Mong rằng, cơ quan thi hành án huyện Hương Khê sớm thực hiện đúng chức trách và quyền hạn được giao để giữ nghiêm phép nước.