Có vốn chính sách, người dân huyện Kỳ Anh mạnh dạn phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) qua nhiều thời kỳ đã giúp người dân huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mạnh dạn phát triển kinh tế trên thế mạnh vốn có của địa phương.

Tiếp sức hình thành mô hình trang trại tổng hợp

Bước qua thời kỳ khốn khó, tới nay, gia đình chị Hoàng Thị Duấn (thôn Phú Sơn – xã Kỳ Phú – huyện Kỳ Anh) đã hình thành được trang trại chăn nuôi tổng hợp. Từ hộ nghèo của xã, nay vợ chồng chị đã thu về khoản lợi nhuận 250 triệu đồng mỗi năm. Đến thời điểm này, chị Duấn còn dư nợ 100 triệu đồng từ vốn cận nghèo và giải quyết việc làm để tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của gia đình chị Hoàng Thị Duấn (xã Kỳ Phú).

Chị Duấn phấn khởi: “Nhớ về quá khứ, chúng tôi không nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay. Vốn chính sách nhiều lần giúp gia đình gây dựng trang trại với quy mô hiện nay là 12 con bò thịt, 1.000 con bồ câu, 500 con gà và 3 ao cá tổng hợp. Ngoài nguồn lợi nhuận thu về, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương”.

Gia đình giáo dân Nguyễn Văn Cử (thôn Sơn Hoa - xã Kỳ Hoa - TX Kỳ Anh) có 8 người con, trước đây hoàn cảnh hết sức khó khăn. Từ năm 2014, ông Cử bắt đầu tiếp cận vốn chính sách và đến nay đã 5 lần vay.

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình ông thoát nghèo, nuôi con cái ăn học đàng hoàng và hình thành trang trại tổng hợp 4 ha gồm: chăn nuôi trâu bò, ao cá, trồng ăn cây quả, cây lâm nghiệp… Lợi nhuận từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình trên 70 triệu đồng/năm.

Một phiên giao dịch của Ngân hàng CSXH TX Kỳ Anh (ảnh tư liệu).

Theo ghi nhận, hàng nghìn người dân của huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh, nhất là các xã miền núi đã được Ngân hàng CSXH tiếp sức, hình thành nhiều mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, trồng rừng, trồng chè công nghiệp với nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của họ thực sự “thay da đổi thịt”.

Phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản

Năm 2017, gia đình chị Đặng Thị Luận (thôn Phú Hải – xã Kỳ Phú) vay 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn tại Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh. Vốn vay lãi suất ưu đãi này đã giúp gia đình chị có thêm nguồn lực đóng mới tàu công suất 24 CV.

Có tàu mới, việc đánh bắt hải sản của gia đình chị Luận thuận lợi. Vượt qua nhiều khó khăn, nay anh chị đã có nguồn thu ổn định khoảng 350 triệu đồng mỗi năm và còn tạo việc làm cho gần 10 lao động.

Có tàu mới, việc đánh bắt hải sản của gia đình chị Đặng Thị Luận (xã Kỳ Phú - huyện Kỳ Anh) thuận lợi hơn.

Ngoài đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản cũng là lĩnh vực mà người dân TX Kỳ Anh đã phát huy được lợi thế. Gia đình anh Tô Đình Hoan (thôn Đông Hà – xã Kỳ Hà) khấm khá lên nhờ nuôi tôm công nghệ cao.

Anh Hoan chia sẻ: “Nuôi tôm đã lâu, song những năm gần đây chúng tôi mới đầu tư hạ tầng theo hướng công nghệ cao. Trong mỗi đợt đầu tư, gia đình đều được hưởng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh. Hiện nay, với 50 triệu từ vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, tôi đã mở rộng quy mô nuôi lên 4 ao trên tổng diện tích 10.000 m2. Nếu như điều kiện nuôi thuận lợi sẽ giúp chúng tôi thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi/năm”.

Ở Kỳ Anh, thu mua, chế biến thủy hải sản cũng là lĩnh vực được “hấp thụ” nhiều vốn chính sách. Một số thành viên của các hợp tác xã (HTX) như: HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh); HTX Chế biến thủy hải sản Trung Khang (xã Kỳ Khang – huyện Kỳ Anh); HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh – TX Kỳ Anh)... đã được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để đầu tư phát triển.

HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương đầu tư dây chuyền đóng chai tự động trị giá 1,2 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương phấn khởi: “Nhờ sự tiếp sức về vốn của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh, tôi và một số thành viên HTX đã có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô thu mua, chế biến thủy hải sản. Hiện nay, thương hiệu nước mắm OCOP 3 sao Phú Khương đã quen thuộc với thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, HTX bán ra 150.000 lít, thu về 15 tỷ đồng”.

Theo thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh, đến 31/5/2021, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 5.121 tỷ đồng với trên 110.000 khách hàng, nợ quá hạn chiếm 0,038%/tổng dư nợ. Trong đó, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh là 2 trong số các phòng giao dịch có dư nợ lớn và chất lượng hoạt động tín dụng tốt của tỉnh (huyện Kỳ Anh dư nợ 602 tỷ đồng, TX Kỳ Anh dư nợ 355 tỷ đồng và 2 phòng giao dịch đều không có nợ quá hạn).

“Với 15 chương trình đang triển khai, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đã giúp người dân toàn tỉnh nói chung và huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh nói riêng có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên các thế mạnh sẵn có của địa phương, đưa về nguồn thu ổn định mỗi năm. Đặc biệt, trong giai đoạn toàn tỉnh đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH tỉnh đang tích cực giải ngân các nguồn vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cho người dân sớm khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống”, bà Lê Hương Trà – Phó Trưởng phòng phụ trách Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Tin liên quan:

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói