Thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, qua đó phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ngày 5/6/2025, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ thuốc, dược phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh và phát hiện, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm cồn y tế Ethanol 70 và 90 độ mang nhãn hiệu Ngân Hà do Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà sản xuất, có dấu hiệu là hàng giả, kém chất lượng.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà (địa chỉ tại thôn Dộc, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội - nay là xã Thanh Oai), thu giữ thêm 13.812 sản phẩm cồn Ethanol 70 và 90 độ dạng chai thành phẩm.
Kết quả giám định cho thấy, các sản phẩm này được sản xuất từ cồn công nghiệp có hàm lượng Methanol cao - một chất có thể gây tổn thương thần kinh, mù lòa, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc hoặc hít phải. Quá trình điều tra đã hé lộ chiêu trò tinh vi của đường dây này.
Lực lượng chức năng xác định Phạm Đình Dũng (SN 1986) là giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà. Tuy nhiên, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều do Phạm Đình Tuấn (SN 1988, em trai của Dũng) - nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) trực tiếp điều hành, quản lý.
Để cạnh tranh giá cả và tăng lợi nhuận, từ đầu năm 2025 đến nay, Tuấn đã chỉ đạo Dũng và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Phạm Đình Tuấn, Phạm Đình Dũng cùng các đối tượng liên quan.
Tiếp tục đấu tranh với các loại tội phạm nói trên, ngày 9/6/2025, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường đã kiểm tra các kho hàng sản phẩm y tế trên địa bàn tỉnh và phát hiện, thu giữ 408 chai (dung tích 500ml) sản phẩm cồn Ethanol 70 độ và cồn Ethanol 90 độ nhãn hiệu AB, do Công ty Cổ phần Thương mại Vật tư Y tế An Bình (địa chỉ tại thôn Định Mỗ, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - nay là xã Gia Bình) sản xuất là hàng giả, kém chất lượng.
Mở rộng xác minh nguồn gốc, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường đã kiểm tra tại Công ty Cổ phần Thương mại Vật tư Y tế An Bình, phát hiện và thu giữ thêm 4.000 sản phẩm cồn 70 độ và 90 độ loại chai 500ml mang nhãn hiệu AB là hàng giả, kém chất lượng.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định từ tháng 4 đến tháng 5/2025, Nguyễn Văn Diễn (SN 1988) là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Vật tư Y tế An Bình đã chỉ đạo nhân viên sử dụng cồn công nghiệp (hàm lượng Methanol cao) để sản xuất các sản phẩm cồn y tế Ethanol 70 độ và 90 độ mang nhãn hiệu AB. Các sản phẩm này sau đó được bán và phân phối đến nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng để tiêu thụ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Diễn và các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.
Theo nhận định của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả đang diễn biến vô cùng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ra những hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, việc phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán cồn y tế giả như thời gian qua là một minh chứng rõ nét cho thấy mức độ nghiêm trọng và sự liều lĩnh của tội phạm.
“Các đối tượng phạm tội không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, từ việc lợi dụng công nghệ cao để quảng cáo, giao dịch, đến việc phân tán ra nhiều địa bàn để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Việc sử dụng các nguyên liệu công nghiệp, hóa chất độc hại để sản xuất hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến sức khỏe như dược phẩm, vật tư y tế đang đặt ra thách thức lớn về việc giám định chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về việc tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng vì lợi nhuận vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh” - Trung tá Trần Hữu Dũng - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường) cho hay.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 157 vụ/161 đối tượng liên quan đến các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Trong đó, đã khởi tố 19 vụ/24 bị can và xử phạt vi phạm hành chính 124 vụ/127 đối tượng, với tổng số tiền phạt 970 triệu đồng.
Những kết quả trên cho thấy sự quyết liệt của Công an Hà Tĩnh trong công tác phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, góp phần làm sạch môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Bà Hoàng Thị Bình (phường Thành Sen) chia sẻ: "Bà con chúng tôi rất tin tưởng vào sự quyết liệt của lực lượng công an trong việc triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả. Khi thấy công an mạnh tay xử lý những kẻ làm ăn bất chính, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều khi lựa chọn các sản phẩm. Hy vọng, công an Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy để bảo vệ sức khỏe cho người dân”.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục “mạnh tay” truy quét các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, cũng như sản xuất, buôn bán hàng giả. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, nơi mọi giao dịch đều tuân thủ pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Thượng tá Nguyễn Thanh Thiện