Cương và nhu trong gìn giữ nếp nhà

(Baohatinh.vn) - Gia phong - nếp nhà muốn tạo dựng và gìn giữ được ngoài tình yêu thương, sự kiên trì, đức hy sinh và tấm lòng rộng lượng, còn đòi hỏi các bậc làm ông, làm bà, làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị phải hài hòa linh hoạt 2 thái độ ứng xử: cương và nhu.

Lịch sử các gia đình truyền thống thành đạt của Việt Nam cho thấy, người cha, người mẹ giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống và nhân cách cho con cái. Ở các gia đình ấy có sự hài hòa giữa tính cách nghiêm khắc, chuẩn mực của người cha và nét dịu dàng, âu yếm của người mẹ, có sự ảnh hưởng bởi sự từng trải và lòng nhân hậu của người ông, người bà, tất cả với mục tiêu giáo dục con cháu nên người. Nền tảng sâu xa vẫn là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trí tuệ uyên bác và bản lĩnh dám chịu trách nhiệm của các bậc sinh thành.

cuong va nhu trong gin giu nep nha

Nhìn vào những gia đình con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, ta vẫn thấy được ở đó những bài học cho bản thân, từ đó, điều chỉnh phương pháp dạy con phù hợp. (Ảnh internet)

Mỗi thời đại có những biểu hiện khác nhau, song điểm chung nhất của các gia đình Việt Nam truyền thống vẫn là ở việc giáo dục con cháu thành người có ích cho xã hội, cho đất nước. Ngay từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành, người cha, người mẹ ngoài chức năng nuôi dưỡng còn có vai trò là điểm tựa, người dẫn đường, người “cầm cương” cho con trong cuộc sống, là nơi con tin cậy gửi gắm, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, hy vọng và thất vọng…

Chính vì vậy, để nuôi dạy con cái nên người, bậc làm cha, làm mẹ không chỉ biết âu yếm, vuốt ve, đùa vui, khích lệ, động viên, mà còn phải có thái độ nghiêm khắc, cứng rắn, uốn nắn kịp thời trước những biểu hiện sai trái, lệch lạc của con cái từ lời ăn tiếng nói đến cách ăn mặc, nếp sống gọn gàng, tiết kiệm, phương pháp học tập, lao động, cách nhìn nhận đánh giá xã hội. Cương và nhu cũng được coi như nghệ thuật dạy con cái. Nhiều ông bố chỉ một cái liếc mắt, cau mày, con đã sợ.

Câu thành ngữ: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” được hiểu trong trường hợp này. Tương truyền, Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, mẹ của vua Tự Đức là người thương dân, mực thước, ngay thẳng và rất nghiêm khắc với con. Chính sự giáo dục nghiêm khắc của bà mà vua luôn tôn trọng ý kiến của bà và sẵn sàng chịu tội khi mắc lỗi.

Thời đại phong kiến có những biểu hiện khác với thời đại ngày nay trong giáo dục con, song đều có điểm chung là cha mẹ không nên nuông chiều con thái quá, không thể để con “muốn gì được nấy”. Khi con cái cảm nhận được sự dễ dãi của cha mẹ cũng là lúc lối sống ích kỷ, đua đòi, lười lao động, thích hưởng thụ hé lộ. Và khi gia đình gặp khó khăn, ấy là lúc những đứa trẻ sẽ cảm thấy hẫng hụt và không biết mình phải xoay xở như thế nào. Sự nghiêm khắc của cha mẹ còn thể hiện ở sự giao việc cho con và kiểm tra thường xuyên việc con đã và đang làm, có thái độ cứng rắn và cương quyết khi con không thực hiện lời hứa, không hoàn thành công việc được giao. Nghiêm khắc phải đi đôi với động viên, khích lệ, không quá tạo áp lực cho con, giao việc phù hợp với khả năng và sở trường của con, luôn tạo không khí ôn hòa, vui vẻ, ấm cúng trong gia đình.

Nghiêm khắc với con trong từng lời ăn tiếng nói, cư xử, cách làm việc, lối sống, người cha, người mẹ đồng thời phải luôn tự điều chỉnh bản thân để trong con mắt của con cái luôn là tấm gương. “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”, “Con ông không giống lông cũng giống cánh” là những câu tục ngữ không chỉ phản ánh ngoại hình mà còn là nét tính cách, lối sống của người con ảnh hưởng bởi cha mẹ. Một người cha thô lỗ, một người mẹ nói năng tục tằn không thể hoặc rất hiếm khi giáo dục con trở thành người lịch lãm, cư xử đúng mực.

Có người nói dạy con thời nay khó hơn ngày xưa vạn lần do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự chi phối rõ rệt của các loại hình vui chơi giải trí hiện đại và sự nhiễu loạn của truyền thông mạng xã hội. Điều đó không sai. Và chính vì vậy, người làm cha, làm mẹ thời nay muốn dạy con tốt còn phải tự học hỏi, nâng cao kiến thức, theo dõi con sát sao hơn, gần gũi con nhiều hơn, linh hoạt và ứng biến hơn với con cái. Bên cạnh tình yêu thương vô bờ bến, các bậc cha mẹ cũng đồng thời phải luôn tỉnh táo để lường trước những tình huống xảy ra, có những quy chuẩn, quy định, kiểm soát con cái chặt chẽ và có thái độ không khoan nhượng khi con cái sa vào vui chơi, sao nhãng học hành, tạo cơ hội cho con làm việc giúp đỡ gia đình. Dù thời nay môi trường xã hội đã khác, nhưng nhìn vào những gia đình con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, ta vẫn thấy được ở đó những bài học cho bản thân, từ đó, điều chỉnh phương pháp dạy con phù hợp.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.