Tâm lý học tích cực định nghĩa hạnh phúc là một trạng thái hiểu mình, hài lòng và mãn nguyện một cách chủ quan. Nói cách khác, những người hạnh phúc vẫn có những khoảnh khắc không hài lòng trong cuộc sống, nhưng họ có thể chấp nhận và không đau khổ.
Có lẽ một trong những khác biệt dễ thấy nhất là người hạnh phúc “không cảm thấy mình thiếu thốn nhiều”. Họ ít ghen tị với người khác, bởi vì biết đủ.
Từ quan điểm tâm lý học, những người có thể đạt được và duy trì trạng thái hạnh phúc đều có 8 đặc điểm sau.
Hiểu mình
Chỉ khi một người hiểu rõ về bản thân, hiểu rõ sở thích và không thích, điểm mạnh và điểm yếu, mục tiêu và mong muốn của mình, người đó mới có thể hiểu rõ mình là người như thế nào, sẽ đi đâu và mối quan hệ của mình với xã hội. Sự hiểu biết về bản thân là cơ sở để con người đưa ra nhiều lựa chọn quan trọng trong cuộc đời.
Nhà tâm lý học Erik Erikson, người Đức tin rằng “tìm kiếm bản thân và đạt được bản sắc” là một nhiệm vụ liên tục suốt đời. Ở những giai đoạn và thời điểm khác nhau của cuộc đời, con người có thể có những nhận thức mới, điều này đòi hỏi chúng ta phải nhận ra những thay đổi ở bản thân và không ngừng hình thành nhận thức thống nhất về “cái tôi”. Một khi nhận thức về “cái tôi” càng toàn diện và vững chắc, càng có khả năng sống theo hạnh phúc do chính mình định nghĩa.
Đây là hai điều nhỏ bạn có thể giúp bạn hiểu hơn về mình. Đầu tiên, khi cần đưa ra một quyết định quan trọng, hãy tự hỏi: Đây có phải là điều người khác mong đợi ở tôi không, hay là lựa chọn mà tôi thực sự muốn?
Tiếp theo, tưởng tượng sâu sắc và chi tiết về tương lai để giúp chúng ta hiểu được mong muốn thực sự của mình. Ví dụ: Tình hình tài chính, chuyện cưới xin, có con...
Những người hạnh phúc có những đặc điểm liên quan đến sự hiểu mình, biết đủ, biết buông bỏ... Ảnh: Sina
Tin vào khả năng của mình
Chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng có quá nhiều điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, vì vậy nhiều người có tư tưởng “mặc gió cuốn trôi”.
Nhưng thực tế, chỉ có thể có được hạnh phúc khi tin mình có khả năng kiểm soát và quyết định cuộc sống của chính mình. Đây là lối tư duy kiểm soát nội tại và có tính quyết định trước các vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ, sau thất bại bạn vẫn tin mình có khả năng thay đổi tình thế khó khăn, sẽ nhanh chóng tìm thấy sức mạnh và tìm kiếm giải pháp.
Nghiên cứu tâm lý cũng phát hiện những người có tư duy kiểm soát nội tại có xu hướng học tập và làm việc tốt hơn, có thể đương đầu với những thách thức bên ngoài, có khả năng trì hoãn sự hài lòng để đạt được mục tiêu dài hạn, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn,
Khả năng khẳng định bản thân
Những người có khả năng này sẽ không dễ dàng phủ nhận bản thân vì những thất bại và sai lầm, cũng như sẽ không để những đánh giá của người khác hoặc kết quả nhất thời quyết định giá trị của mình.
Khả năng yêu và được yêu
Triết gia người Đức Erich Fromm tin rằng, chỉ thông qua tình yêu, một người mới có thể thiết lập liên kết với người khác trong thời gian dài.
Khả năng yêu không phải là thứ sinh ra đã có. Một số người nghĩ yêu là phải đặt ra yêu cầu với đối phương, đòi hỏi điều gì đó từ đối phương. Ít ai biết “yêu và được yêu” cũng cần kỹ năng. Người chưa từng được yêu ngày bé, khi lớn lên gặp người yêu mình sẽ cảm thấy kỳ quặc, khó xử, khó chịu, nghi ngờ... Có những người đã thực sự từ bỏ mối duyên đẹp vì không biết cách để được yêu.
Khả năng thể hiện sự yếu đuối
Nhiều người ngại nhờ người khác giúp đỡ vì sợ bị nghĩ không đủ năng lực và có thể bị từ chối, chế giễu và đánh mất thế chủ động. Trên thực tế, dám thể hiện sự yếu đuối là một đặc điểm quan trọng của một mối quan hệ chất lượng cao và điều này cũng dự đoán chỉ số hạnh phúc của con người.
Thể hiện sự yếu đuối đúng cách thực chất là cho người khác cơ hội quan tâm và yêu thương bạn. Hãy thử chọn một người mà bạn tin tưởng, trong một khoảnh khắc tự phát, hãy buông bỏ tự tôn và nói với họ rằng bạn cần họ, điều đó có thể mang lại điều kỳ diệu cho bạn.
Khả năng vượt qua nghịch cảnh
Những người có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn có nhiều khả năng không bị vùi dập bởi thực tại khó khăn mà họ gặp phải. Và có thể đạt được khả năng tự phục hồi trong nghịch cảnh , thậm chí đạt được những thành tựu vượt xa số đông. Dưới cùng một mức độ căng thẳng, những người này xử lý tốt hơn. Do đó họ có nhiều cơ hội để chấp nhận thử thách vì có thể đương đầu với áp lực, qua đó có nhiều cơ hội bứt phá.
Nghiên cứu liên quan từ Đại học Pennsylvania, Mỹ đã chỉ ra rằng ba thay đổi sau đây là vô cùng quan trọng để thay đổi nhận thức về sự thất vọng.
Đầu tiên là thay đổi từ trong ra ngoài (việc xảy ra không phải lỗi của ta); đi từ tổng quát đến cụ thể (tức đây là một sự việc không may, không có nghĩa cả cuộc đời là sai lầm); đi từ vĩnh viễn đến tạm thời, rằng tình huống này có thể thay đổi, thay vì giả định rằng mọi thứ đã được định đoạt, an bài.
Khả năng buông bỏ
Trong cuộc đời sẽ luôn có một số người và những thứ không thuộc về ta. Sẽ không hay nếu ta cứ bám víu vào những thức không thể có được nữa. Việc dằn vặt mình vì những điều đã xảy ra chỉ khiến sư việc tiêu cực, khơi dậy nhiều lo lắng và trầm cảm hơn.
Buông không phải là quên mà là không cố gắng giành lấy cái gì đó cho mình, không cố gắng để một thứ gì đó đi theo chiều hướng nào, là chấp nhận nhìn nó như nhìn chiếc lá rơi.
Khi làm được điều đó, có nghĩa bạn đang cho mình không gian để tiếp nhận những thứ có giá trị, ý nghĩa. Hãy theo đuổi những mục tiêu thực tế và có thể đạt được hơn và bạn sẽ tiến gần hơn đến hạnh phúc.
Nâng lên, hạ xuống được
Nâng lên, hạ xuống có nghĩa là bình tĩnh và không sợ hãi. Một mặt, chấp nhận điểm yếu của mình, rằng ta không có khả năng thao túng số phận và thế giới, nhưng mặt khác là một người tự tin và dũng cảm, bạn sẵn sàng chấp nhận mọi thực tế và tin rằng mình có thể làm được tốt nhất.
Cuối cùng, hạnh phúc không phải là thứ bạn trì hoãn cho tương lai, nó là thứ bạn thiết kế cho hiện tại.